Xin đừng lạm dụng!
“Khoe với cả nhà mớ hành, ngò mà sau khi mình “quần đảo” mấy siêu thị, cửa hàng mới có được…” - có thể chia sẻ mang tính vui vui nhưng nội dung trên facebook sáng nay của một người quen lại khiến tôi lo ngại. Có phải khái niệm về “hàng thiết yếu”, “nhu cầu ra đường chính đáng” đang được một bộ phận người dân tận dụng triệt để, vô tình làm khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch?
Có lẽ nếu không có vụ việc đáng tiếc “bánh mì không phải lương thực, thực phẩm” ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đã không có chuyện ngành công thương nhiều tỉnh, thành phải giải thích về khái niệm hàng thiết yếu và ban hành danh mục hàng hóa được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội như thời gian qua. Tuy vậy, mặt trái của hướng dẫn có thể tạo kẽ hở để một bộ phận người dân thiếu ý thức lạm dụng nhu cầu ra đường, hoặc ngược lại - làm “bó chân” người dân trong trường hợp thật sự cần thiết, nhất là khi liệt kê có thể bị sót.
Trước nhu cầu thực tiễn và cả áp lực dư luận, dầu đã cố gắng ban hành chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể, song có thể thấy, danh mục hàng thiết yếu vẫn bộc lộ những bất cập. Một lần nữa lại phải cấp tốc điều chỉnh: Ngày 27.7, Bộ Công Thương gửi văn bản đến Thủ tướng đề xuất Chính phủ ban hành danh mục “hàng hóa cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Theo đó sau khi được thông qua, chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông, còn lại tất cả hàng hóa, dịch vụ không nằm trong danh sách này sẽ được lưu thông. Như vậy, nếu dựa trên cơ sở mới này, phạm vi hàng thiết yếu dẫu trong điều kiện giãn cách xã hội vẫn được mở rất rộng. Sự điều chỉnh này, bên cạnh mặt tích cực, nhất là giúp gỡ những điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa đảm bảo duy trì nền kinh tế, tạo cơ sở để khắc phục những xử lý cứng nhắc, thiếu chuẩn mực gây bức xúc dư luận như nhiều vụ việc gần đây; mặt khác cũng tồn tại nguy cơ việc chấp hành, thực hiện giãn cách xã hội sẽ càng khó khăn hơn. Thử hình dung, nếu ai cũng vin vào lý do mua “hàng thiết yếu” cả hàng trăm, ngàn món để làm “giấy thông hành”…
Trong bối cảnh dịch trên cả nước đang căng thẳng, nhất là TP Hồ Chí Minh, thiết nghĩ “thiết yếu” trong điều kiện giãn cách xã hội nên được hiểu theo nghĩa/gắn với nghĩa“cấp bách”, để từ đó có ứng xử phù hợp, hài hòa trong xử lý. Hành, ngò cũng là thực phẩm thiết yếu đấy, nhưng vì đang hàng khan giá cao, nguy cơ dịch giã nơi công cộng, ăn bát canh không có hành, ngò thì đã làm sao? Câu chuyện ra đường để mua hàng thiết yếu, hay vì bao lý do chính đáng khác, nếu thật sự cần thiết thì không bàn đến ở đây, nhưng nếu vì một bộ phận người dân thiếu ý thức hoặc thích nghi kém như câu chuyện trên facebook ấy thì là đang chủ quan với chính sức khỏe, sinh mệnh của mình, gia đình và cộng đồng, đồng thời vô tình thêm khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Đối phó, chiến đấu với “giặc” vô hình hoàn toàn mới mẻ này, trong điều kiện mọi công tác chỉ đạo, tổ chức, thực hiện theo kiểu vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm như đang diễn ra; có lẽ chẳng quy định, văn bản hướng dẫn nào bằng nhận thức, ý thức của mỗi người dân cùng hành động, đoàn kết vì mục tiêu chung ngăn chặn, dập dịch, bảo vệ sức khỏe của từng cá nhân và cả cộng đồng.
TƯỜNG MINH