Thai phụ nhớ tầm soát đái tháo đường
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết phát hiện trong thời kỳ mang thai. Trong thai kỳ, cơ thể người mẹ tiết ra các hormone có xu hướng chống lại tác dụng của insulin (đề kháng insulin) vì thế cơ thể của người mẹ cần nhiều insulin hơn bình thường để đưa đường trong máu về mức bình thường.
Nếu không điều trị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ và thai nhi có thể gặp nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe. Với bà mẹ, đó là nguy cơ sinh non, sẩy thai, nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 trong vòng 5 - 10 năm, tăng huyết áp, mắc các bệnh tim mạch. Với thai nhi, các biến chứng dễ thấy là suy hô hấp, hạ đường huyết sau sinh, vàng da, chấn thương lúc sinh qua đường âm đạo do em bé to, thai to, thừa cân, béo phì lúc trưởng thành và đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK tỉnh, cho biết: “Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, tất cả thai phụ nên tầm soát bệnh đái tháo đường tại lần khám thai đầu tiên. Khi đó bác sĩ sẽ cho thực hiện nhiều xét nghiệm kế tiếp để khẳng định và hướng điều trị phù hợp”.
Một trong những yếu tố chính để quản lý đái tháo đường thai kỳ là ăn uống lành mạnh. Các thầy thuốc khuyên, quan trọng hàng đầu là ăn đủ 3 bữa chính và 3 bữa phụ trong ngày, ăn đa dạng các loại thực phẩm. Ăn đầy đủ, cân đối các loại ngũ cốc và tinh bột, protein từ thực vật (đậu lăng, đậu hạt, đậu phụ và các loại hạt), protein từ động vật (lòng trắng trứng, gà, cá), sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), rau củ, trái cây. Nên hạn chế các loại cá tươi và cá đông lạnh bởi hàm lượng thủy ngân ở nhóm thực phẩm này khá cao. Thai phụ nên ăn thêm mỗi ngày một lượng thức ăn cung cấp khoảng 350 kcal từ khoảng tháng thứ 4 thai kỳ trở đi. Những người thừa cân, thiếu cân nên tham vấn bác sĩ để bổ sung chính xác phần năng lượng cơ thể cần.
Một điểm không kém phần quan trọng nữa là thai phụ nên tập thể dục mức độ vừa phải, như đi bộ, nhằm kiểm soát đường trong máu; đồng thời nên kiểm tra đường huyết mỗi lần thăm khám định kỳ.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)