Chuyện chung cũng là chuyện riêng
Hàng loạt các hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường không theo quy luật, ngày càng có nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lụt lội, băng giá, siêu bão… ở khắp nơi trên thế giới trong những năm gần đây là biểu hiện của một vấn đề mang tính toàn cầu mà nhân loại phải đối phó - Biến đổi khí hậu (BÐKH).
Hiện nay, BÐKH được xem là một trong những nguy cơ lớn của toàn nhân loại và Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của BÐKH, trong đó nước biển dâng do hiện tượng trái đất nóng lên là một nguy cơ rất lớn và đã là hiểm họa “nhãn tiền”. Theo các số liệu thống kê, với thực tế đã diễn ra trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại từ 1 - 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Dự báo đến năm 2050, mực nước biển ước tính sẽ dâng thêm 33cm và đến năm 2100 sẽ là 1m. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì 11% dân số của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, 7% đất nông nghiệp sẽ bị tác động và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm đi khoảng 10%.
Chúng ta đã thấy rõ, do tác động của con người làm cho môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Ðó là sự phát triển các ngành công nghiệp với việc xây dựng hàng loạt nhà máy thải vào không khí nhiều loại khói bụi độc hại; nguồn nước thải từ các nhà máy này chưa qua xử lý đã thải ra môi trường, làm chết nhiều sinh vật, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc tàn phá rừng tự nhiên để làm các công trình thủy lợi, thủy điện, phát triển kinh tế cũng gây ra những hậu quả khôn lường về môi trường, môi sinh, nhiều loại động thực vật bị hủy diệt, lá phổi xanh cho con người cũng bị thu hẹp lại. Ngoài ra, các yếu tố phát triển đô thị, tập trung dân cư đông đúc, gia tăng rác thải, việc phát triển các loại xe cơ giới, sử dụng nhiều xăng dầu…, cũng đã làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm.
Ứng phó với BÐKH, bảo vệ tài nguyên môi trường là công việc thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của mọi người dân. Ðứng trước những thảm họa từ thiên nhiên, chúng ta cần nỗ lực rất cao để môi trường sống hôm nay và mai sau tốt đẹp hơn. Bên cạnh trách nhiệm của Ðảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong việc ngăn chặn các hành động đe dọa, xâm hại đến môi trường, mỗi người chúng ta, bằng những việc đơn giản như không xả rác bừa bãi, sử dụng túi thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông, giảm lưu lượng giao thông bằng các phương tiện cá nhân… cũng sẽ ra sức góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất của chúng ta.
BÐKH là chuyện toàn cầu, tưởng như chuyện xa xôi nhưng lại liên hệ mật thiết tới cuộc sống hôm nay, cũng là chuyện của mỗi địa phương, chuyện của mỗi người. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để bảo vệ môi trường vì cuộc sống yên lành và tương lai của con cháu chúng ta.
Thái An