Nỗi lo từ chim yến !
Cùng với các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh…, Bình Định - nơi phát triển nghề nuôi yến khá mạnh, hiện đã có tới hơn 50 hộ nuôi yến ở thành phố Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn. Mấy năm gần đây, nhiều hộ nuôi chim yến ở Quy Nhơn đã có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm từ việc thu hoạch tổ yến nuôi trong nhà.
Tuy nhiên, cái nghề “hái ra tiền” này đang tiềm ẩn một nỗi lo lớn cho cộng đồng dân cư sau khi có thông tin dịch cúm H5N1 đã tấn công đàn chim yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận. Theo thông tin đã được công bố, chỉ trong vòng hai tuần (từ ngày 28.3 đến chiều 11.4), đã có gần 5.000 con trong tổng đàn 10.000 con ở một điểm nuôi tại TP Phan Rang - Tháp Chàm) bị chết và được xét nghiệm là có vi-rút H5N1. Điều này khiến dư luận ở tỉnh ta không khỏi lo lắng vì chim yến là loài kiếm ăn ở trên trời, có đường bay rất xa, nên một khi chim yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận bị nhiễm vi-rút H5N1 thì cũng có thể có khả năng lây lan đến Bình Định.
Việc xảy ra dịch H5N1 ở chim yến nuôi còn rất đáng lo ở chỗ nhiều gia đình nuôi yến cũng đồng thời sinh sống và sinh hoạt ngay trong ngôi nhà đó. Mặt khác, hầu hết các ngôi nhà nuôi chim yến đều ở trong các khu dân cư, thậm chí ngay trong các khu phố nội đô đông đúc, nên khó mà tránh được ảnh hưởng cho những người xung quanh, nhất là việc vi-rút H5N1 có khả năng lây sang người.
Hiện nay, cúm H5N1 chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là một loại cúm nguy hiểm, độc lực cao, tỉ lệ tử vong lên đến 50%, thậm chí có thời điểm lên đến 100%. Mới đây, một cháu bé 4 tuổi ở Đồng Tháp đã tử vong bởi cúm H5N1. Theo Giáo sư Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế “nguy cơ lây nhiễm bệnh từ chim yến sang người là hiện hữu”. Do đó, ngành thú y cần tăng cường giám sát, nơi nào có chim yến chết cần triển khai các biện pháp phòng dịch; đồng thời phối hợp với ngành y tế tăng cường giám sát, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế sự lây nhiễm vi-rút cúm H5N1 sang người. Những người nuôi chim yến cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi-rút cúm này cho bản thân và gia đình mình, khi chăm sóc yến cần đeo găng tay, khẩu trang... Khi thấy những biểu hiện bất thường từ đàn chim như ốm, chết, cần báo ngay cho thú y.
Để đề phòng hiểm họa dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan từ các địa điểm nuôi yến, biện pháp cần thực hiện là tiến hành ngay các giám sát chặt các nhà nuôi yến, thường xuyên lấy mẫu chim yến sống, tổ yến và phân yến tại tất cả hộ nuôi và tiến hành xét nghiệm để phát hiện kịp thời nếu có dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, tại các nhà nuôi yến phải thực hiện thường xuyên việc tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan ra bên ngoài.
Về lâu dài, cần tiến hành quy hoạch phát triển việc nuôi chim yến ở xa khu dân cư, không được nuôi trong nội thành các đô thị như ở Quy Nhơn và thị trấn đông dân cư như hiện nay. Việc làm nhà vừa nuôi chim yến ở tầng trên vừa để con người sinh sống ở bên dưới như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người khi có dịch bệnh xảy ra.
Hòa An