Olympic vẫn quá tầm với thể thao Việt Nam?
Tính đến Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam đã có 10 lần tham dự sân chơi danh giá nhất hành tinh, giành được 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Trong đó, Olympic Rio 2016 chính là kỳ thế vận hội thành công nhất của chúng ta, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 HCV nội dung 10 m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50 m súng ngắn. Đó cũng là Olympic thứ 3 liên tiếp các VĐV có huy chương, sau khi lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB cử tạ hạng 56 kg nam ở Olympic Bắc Kinh 2008; Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ cử tạ hạng 56 kg nam ở Olympic London 2012.
Những hạng cân nhỏ ở các môn võ, cử tạ hoặc các môn đòi hỏi độ chính xác như bắn súng, bắn cung… là những nội dung được cho phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
- Trong ảnh: Võ sĩ Nguyễn Văn Đương (bên phải) đã có 1 trận thắng tại Olympic Tokyo 2020 ở hạng cân 57 kg nam môn boxing. Ảnh: AFP
Olympic Tokyo 2020 vẫn còn diễn ra các nội dung thi đấu, nhưng sau khi Quách Thị Lan không thể giành quyền vào chung kết 400 m vượt rào tối 2.8, thể thao Việt Nam không còn đại diện nào ở sân chơi này. Đây có thể coi là kỳ Olympic không thành công, không chỉ bởi chúng ta không giành được huy chương, mà thành tích nhiều VĐV không đạt được như kỳ vọng.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tham dự với tư cách đương kim vô địch nhưng thành tích kém xa cách đây 5 năm; các lực sĩ Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên đều là niềm hy vọng ở môn cử tạ nhưng cũng không đạt được phong độ tốt nhất, chưa thể vượt qua chính mình; kình ngư Nguyễn Huy Hoàng từng giành HCV Olympic trẻ nhưng cũng không thể vượt qua vòng loại; Nguyễn Thị Ánh Viên cho thấy đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, dù được đầu tư không nhỏ trong nhiều năm qua…
Tất nhiên, chúng ta cũng có một số điểm sáng để hy vọng, với tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh giành 2 trận thắng ở vòng bảng; chiến thắng ở vòng loại đầu tiên của võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương; dấu mốc do Quách Thị Lan lập được khi là VĐV điền kinh đầu tiên vào bán kết ở một kỳ Olympic… Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện, đây đều không phải là cơ sở để nuôi niềm hy vọng giành huy chương ở kỳ Olympic sau.
Điểm lại thành tích ở các kỳ Olympic để thấy rằng thể thao Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển bền vững. 32 năm kể từ sau chiến tích của võ sĩ người Bình Định Đặng Hiếu Hiền, chúng ta mới lại có 1 trận thắng ở môn boxing; sau tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000, taekwondo vẫn chưa thể có thêm bất kỳ võ sĩ nào bước lên bục nhận huy chương.
Sau mỗi thất bại, ngành Thể thao lại đặt vấn đề mổ xẻ nguyên nhân, trong đó việc xác định những bộ môn, nội dung phù hợp với thể trạng, thể lực người Việt Nam; cách thức đầu tư sao cho hiệu quả… được nói đến rất nhiều. Nhưng đáng tiếc sau 40 năm kể từ lần đầu tiên tham dự Olympic, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ nội dung nào được cho là thế mạnh, sẵn sàng cạnh tranh huy chương sòng phẳng với các quốc gia khác. Điều này hoàn toàn khác với Thái Lan (với sự đầu tư bài bản cho taekwondo, và họ đã có HCV ở Olympic Tokyo 2020) hay Indonesia (ở môn cử tạ)… Nếu không có cách làm khác, chúng ta có thể còn bị các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bỏ xa, chứ chưa nói đến những đối thủ hàng đầu thế giới ở đấu trường Olympic.
LÊ NA