Cắt chứng chỉ, giảm gánh nặng cho công chức, viên chức
Dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm của Bộ Nội vụ trong việc cắt bỏ những chứng chỉ không phù hợp để giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức.
Cắt bỏ những chứng chỉ hình thức, không phù hợp
Ngày 11.6, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức (CC) chuyên ngành hành chính và CC chuyên ngành văn thư. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1.8 chỉ yêu cầu CC hành chính có “kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản”, “sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp” tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch CC hành chính. Đây là bước chuyển biến quan trọng so với quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 14/2014/TT-BNV yêu cầu cụ thể về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với CC hành chính.
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp đột phá về cơ chế, phương thức quản lý, sử dụng cán bộ, CC, VC.
- Trong ảnh: Kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng lên ngạch chuyên viên chính năm 2021. Ảnh: N.V.T
Trước đó, ngày 26.5, Bộ Nội vụ có Công văn số 2499/BNV-CCV gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch CC và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức (VC); bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch CC và 142 chức danh nghề nghiệp VC.
Đồng thời, đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch CC và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp VC theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch CC, chức danh nghề nghiệp VC chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Sau đề nghị của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ trong quá trình rà soát, cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng, đảm bảo nguyên tắc việc bỏ chứng chỉ gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ CC, VC một cách thực chất, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Việc bỏ chứng chỉ phải phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch CC, chức danh nghề nghiệp VC.
Bên cạnh đó, các bộ đang quản lý CC, VC cũng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch CC, chức danh nghề nghiệp VC, bảo đảm cắt bỏ những chứng chỉ mang tính hình thức, không phù hợp trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Giảm gánh nặng chứng chỉ
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, những động thái tích cực gần đây của ngành Nội vụ nhằm thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước trong đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với CC, VC, bảo đảm giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng không trùng lắp về nội dung và phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lấy đối tượng đào tạo, bồi dưỡng làm trung tâm. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng đối với CC, VC; hạn chế yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý CC, VC.
“Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp đột phá về cơ chế, phương thức quản lý, sử dụng cán bộ, CC, VC. Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, CC, VC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ
“Quyết tâm đổi mới của chúng tôi cũng bắt nguồn từ thực tế thời gian gần đây, báo chí phản ánh nhiều tâm tư, bức xúc về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với VC, nhất là đối với đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo công lập khi thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp VC”, bà Trà cho hay.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn cho rằng, quy định về tiêu chuẩn ngạch CC, chức danh nghề nghiệp VC hiện tại là quá cao, không còn phù hợp. Việc Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 02/2021/TT-BNV không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là bước tiến quan trọng, góp phần tiết kiệm tiền bạc, thời gian đi học.
Những thay đổi từ Thông tư 02/2021/TT-BNV cũng như những đề xuất mới đây của Bộ Nội vụ về cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng được dư luận, đội ngũ CCVC ủng hộ. Trong đó, phấn khởi nhất là các thầy cô giáo khi được giảm “gánh nặng” chứng chỉ bồi dưỡng. “Thật sự rất mệt mỏi, mỗi khi hè đến lại xách gói đi học để có đủ các loại chứng chỉ này nọ. Mà đôi khi, kiến thức, kỹ năng thu nhận chẳng bao nhiêu”, anh N.T.A - giáo viên một trường THCS ở TX An Nhơn, chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG