Giữ trẻ an toàn: Không dễ nhưng phải làm tốt
Dịch Covid-19 gây ra nhiều áp lực cho những gia đình có con nhỏ, thu nhập thấp, không ổn định. Bởi, cha mẹ buộc phải đi làm, nếu không nhờ được người trông con thì đành phải để trẻ vốn rất hiếu động, tò mò ở trong nhà cả ngày, nguy cơ tai nạn, thương tích rất dễ xảy ra.
Chiều 30.7, nhận hung tin con trai 4 tuổi bị xe tông, chị Trần Thị Lệ ở thôn 9, thị trấn An Lão (huyện An Lão) chạy như bay vào TTYT huyện An Lão rồi ngất xỉu khi nhìn thấy người con đầy máu và một bên chân dập nát. Vài ngày sau kể lại, chị còn khóc rưng rức: Nghe kể lại là con bước xuống đường theo con mèo, vừa lúc đó xe ben trờ tới. Tôi đang bán nước mía cho khách thì nhận cuộc gọi báo tin con bị tai nạn. Cũng với ánh mắt đau đớn, giọng nói đầy chua xót và thái độ tự trách khi kể lại chuyện con trai ruột và hai đứa cháu chết đuối vào trưa 22.5, anh Đinh Văn Hồng ở xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân) ray rứt nói, vì thấy có hai đứa lớn dẫn 3 đứa nhỏ về nên tôi mới yên tâm không đi theo. Đến khi 3 đứa nhỏ xảy ra chuyện thì hai đứa lớn không thể cứu kịp.
Nếu không xảy ra dịch, vào dịp hè các bậc cha mẹ thường cho con tham gia các lớp học bơi và trang bịkỹ năng ứng phó với đuối nước (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: Sở LĐ-TB&XH
Sự tiếc nuối, ân hận của người lớn trong nhiều trường hợp đã trở thành muộn màng, là những nỗi đau ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của họ. Không - thể - an- tâm - là lời khuyên của một số chuyên gia tâm lý với các bậc cha mẹ có con nhỏ đang phải ở trong nhà suốt ngày để phòng dịch. Bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cho rằng, lần này trẻ ngoan ngoãn, vâng lời, làm theo không có nghĩa là tất cả những lần sau trẻ đều như vậy. Trẻ rất dễ bị thu hút bởi những thứ mới lạ, trẻ cập kề tuổi dậy thì lại muốn làm những việc “khác thường”. Không ít bậc cha mẹ đi làm khóa cửa ngoài, để con trẻ ở trong nhà cùng chiếc tivi, điện thoại và cảm thấy yên tâm nên không kiểm tra con xem chương trình gì, trò chuyện qua mạng cùng ai mỗi ngày…
Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH, trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có 637 vụ tai nạn thương tích trẻ em trên toàn tỉnh. Trong đó phổ biến là chuyện trẻ té ngã (140 vụ), TNGT (52 vụ), đuối nước (17 vụ, 15 trẻ tử vong)… Trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi dễ bị tai nạn thương tích hơn trẻ dưới 6 tuổi. Cũng theo thống kê này, hiểm họa trẻ phải đối mặt khi ở nhà là té ngã, điện giật, súc vật cắn, bỏng, bạo hành…
Vậy phải làm sao để trẻ an toàn khi ở nhà cả ngày? Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, trước hết, các bậc cha mẹ hãy tự trang bị kiến thức cho mình và dành nhiều sự quan tâm đến trẻ. Nếu phải để trẻ một mình ở nhà thì mỗi ngày kiểm tra, rà soát, loại bỏ các thứ có nguy cơ gây tai nạn thương tích với trẻ và trang bị kiến thức phòng, tránh nguy cơ, xử lý sự cố ngoài ý muốn cho số trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi. Sở đã in ấn và cấp phát 1.300 sổ tay phòng, chống tai nạn thương tích tại nhà trong mùa dịch Covid-19, hơn 30.000 tờ rơi hướng dẫn cách bảo vệ, chăm sóc bản thân trong mùa dịch Covid-19 cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người làm công tác trẻ em.
Các sở, ngành, hội đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở trợ giúp, chăm sóc trẻ em cần quan tâm tổ chức phổ biến kiến thức, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng kỹ năng giám sát, trông coi trẻ. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em...
NGỌC TÚ