QUY ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG:
Cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả
Tổng kết 5 năm thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cho thấy việc thực thi gặp khó khăn bởi một số điểm chưa phù hợp, chưa được quy định. Điều này đặt ra yêu cầu khắc phục, hoàn thiện về pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo Sở TN&MT, thời gian qua, việc triển khai thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 155) đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh. Nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã quan tâm, chú trọng hơn trong việc thực hiện công tác BVMT; xuất hiện nhiều DN tiên tiến, điển hình trong công tác BVMT. Việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu đô thị, khu dân cư, khu vui chơi giải trí... cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Còn nhiều khoảng trống
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật về BVMT theo Nghị định 155 bộc lộ một số bất cập. “Đó là tình trạng hành vi vi phạm của một số nhóm vi phạm chưa được quy định đầy đủ, chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, một số biện pháp khắc phục hậu quả không phù hợp. Còn nhiều hành vi làm ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra trong thực tiễn nhưng khó áp dụng các hình thức, biện pháp xử phạt”, ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT) cho biết.
Cần quy định chặt chẽ hơn đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường thường xảy ra trong thực tiễn như xả nước thải với lưu lượng nhỏ, gây tiếng ồn vượt chuẩn cho phép, ô nhiễm mùi/phát tán hóa chất… - Trong ảnh: Một góc cơ sở sản xuất bao bì nhựa nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước. Ảnh: SAO LY
Cụ thể như, với các hành vi vi phạm về xả nước thải vào môi trường, thực tế đối với các cơ sở sản xuất không có lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải thì khó xác định lưu lượng nước thải đầu ra, làm cơ sở xác lập hồ sơ vi phạm hành chính. Với quy định “Phạt cảnh cáo đốivới hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường” và “Phạt cảnh cáo đối với hành vi làm phát tán hóa chất, hơi dung môi hữu cơ trong khu sản xuất hoặc khu dân cư gây mùi đặc trưng của hóa chất, hơi dung môi hữu cơ đó”, việc xác định ô nhiễm mùi rất khó vì không có phương tiện kỹ thuật đo.
Tương tự, một số hành vi gây ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra trong thực tiễn nhưng khó áp dụng hình thức, biện pháp xử phạt. Chẳng hạn như hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép là khá phổ biến nhưng khó đo đạc chính xác vì cơ sở dễ dàng đối phó, điều chỉnh giảm tiếng ồn hoặc quá trình đo đạc bị ảnh hưởng bởi các nguồn phát sinh tiếng ồn khác lân cận. Vi phạm về xả chất thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường (xả nước thải, trộn lẫn chất thải nguy hại vào rác thải sinh hoạt…) khó bị phát hiện vì số lần thanh tra, kiểm tra chỉ 1 lần/năm, mức xử phạt thấp, không đáng kể so với chi phí xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, căn cứ pháp lý để áp dụng xử phạt hành chính về BVMT còn một số “khoảng trống”, như chưa quy định hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ; chưa quy định xử phạt đối với hành vi đổ, thải, bỏ xà bần, chất thải rắn xây dựng… Ngoài ra, quá trình tổ chức thực hiện theo quy định có một số điểm chưa phù hợp như việc lấy mẫu nước, không khí, tiếng ồn để làm cơ sở cho việc xử phạt khá khó khăn đối với cấp xã (không có cán bộ chuyên trách về môi trường). Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất khó áp dụng, nhất là sau khi Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo không ngừng cấp điện, nước đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường…
Bổ sung để chặt chẽ, nghiêm minh
Nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm, theo ông Nguyễn Việt Cường là do ý thức về BVMT của một số chủ DN, hộ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa chú trọng đầu tư cho công tác BVMT. Nhiều cơ sở nhỏ, quy mô gia đình chưa lập hồ sơ môi trường, chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Nhiều DN chưa đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải, thiếu chú ý các nội dung của hồ sơ môi trường dẫn đến không thực hiện đúng các quy định…
Qua thực tiễn thi hành Nghị định 155 trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại và bất cập phát sinh, Sở TN&MT đã tham mưu để UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT sửa đổi, bổ sung các quy định. Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, tỉnh đã đề nghị Bộ TN&MT bổ sung xử phạt đối với một số hành vi chôn lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn thông thường, đặc thù như: Chất thải xây dựng, y tế, bùn nạo vét từ kênh mương công trình thủy lợi... Bổ sung các hình thức xử phạt như: Dừng cung cấp điện, nước; thu hồi mã số thuế hay giấy phép đăng ký kinh doanh; niêm phong tang vật, phương tiện, nhà xưởng, máy móc trang thiết bị vi phạm. Điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp xã, UBND cấp huyện, chánh thanh tra cấp sở…
“Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Nghị định 155. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường đối với cán bộ, công chức tại địa phương”, bà Hương cho biết.
SAO LY