Mở lối cho cây chè dây
Chè dây là loài cây bản địa, được người dân xã An Toàn, huyện An Lão dùng làm thuốc chữa bệnh từ rất lâu đời. Tuy nhiên, chủ yếu được khai thác ngoài tự nhiên, chưa thành sản phẩm thương mại đúng nghĩa. Năm 2020, nhằm phát triển cây chè dây thành sản phẩm hàng hóa thông qua chuỗi liên kết sản xuất - kinh doanh với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã An Toàn, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) triển khai dự án có vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng, chuyển giao quy trình kỹ thuật - do đơn vị nghiên cứu dựa trên tiêu chuẩn GACP-WHO được Cục Y học cổ truyền (Bộ Y tế) - cho đồng bào. Trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ này, Bidiphar đóng vai trò là đối tác, cung cấp nguồn cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm. Hội LHPN huyện An Lão là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, tổ chức hỗ trợ giúp các hộ dân sản xuất.
Hướng dẫn đồng bào DTTS trồng cây chè dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ảnh: Hội LHPN huyện An Lão cung cấp
Gia đình ông Trác - một trong số những hộ đầu tiên tham gia dự án trồng chè dây. Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn này, người trồng phải bảo đảm môi trường sản xuất an toàn và sạch sẽ; đảm bảo dược liệu không chứa mầm bệnh, không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Các khâu chăm sóc, thu hoạch đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Ông Đinh Văn Trác (thôn 1, xã An Toàn) chia sẻ: “Xưa giờ cây chè dây vẫn mọc dưới tán rừng, bà con mình hái về dùng nấu nước uống, nó có tác dụng chữa được một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Mấy năm trước, nhiều thương lái hỏi mua nên nhiều người kéo nhau vào rừng chặt bán khiến nó cạn kiệt dần. Nay được cán bộ dự án chỉ dẫn tôi mới hiểu tầm quan trọng của việc bảo tồn loại cây dược quý hiếm này; chúng tôi mong được liên kết lâu dài với Bidiphar ”.
Ông Nguyễn Đức Thiệp, cán bộ Trại nghiên cứu, khảo nghiệm dược liệu An Toàn của Bidiphar cho biết: “Nguồn giống cung cấp cho dự án được công ty tuyển chọn từ các cây chè dây bản địa, sau đó nhân giống bằng giâm hom, ươm trồng trong nhà kính và chuyển giao cho người dân. Chúng tôi còn đầu tư dây chuyền chiết xuất đặt tại xã để thu hoạch, sơ chế, chế biến chè dây thành 2 dạng sản phẩm: Trà khô và trà túi lọc, góp phần thương mại hóa sản phẩm”.
Qua hơn 10 tháng triển khai, Hội LHPN huyện phối hợp các nhóm chuyên gia dự án đã tiến hành khảo sát thực địa, chọn 9 điểm ở 3 thôn để trồng chè dây. Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Chúng tôi đã thành lập 3 tổ liên kết chuỗi sản xuất, mỗi tổ 10 hộ để tập huấn và triển khai trồng 2 mô hình điểm trên diện tích 700 m2. Chúng tôi hy vọng các mô hình có thể giúp tăng 20% thu nhập/năm cho đồng bào DTTS so với trước dự án”.
Thành công lớn nhất của dự án cho đến nay là có được sự đồng thuận rất lớn từ phía chính quyền và người dân. Một chuỗi sản xuất gắn với thị trường đầu ra ổn định chắc chắn sẽ thay đổi đời sống của người dân địa phương. Xa hơn nữa, dự án còn góp phần thay đổi nhận thức đồng bào DTTS về bảo tồn và phát triển bền vững cây chè dây, cũng như giảm áp lực khai thác, phá rừng tự nhiên tại địa phương. Ông Đinh Văn Đan, Chủ tịch UBND xã An Toàn cho biết thêm: Trong thời gian qua, việc xây dựng các mô hình giúp đồng bào DTTS phát triển KT-XH rất được chính quyền quan tâm. Cho đến nay, đã có 60 hộ đăng ký tham gia dự án. Bà con đang chọn địa điểm để nhân rộng diện tích trồng chè dây.
HỒNG HÀ