Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Ðạo (8.8.1921 - 8.8.2021)
Nhà lãnh đạo kiệt xuất
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Ðạo (tên khai sinh là Nguyễn Ðức Nguyện) sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại phường Ðình Bảng, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều cống hiến xuất sắc trên các lĩnh vực công tác Ðảng, chính trị, tuyên huấn trong quân đội, Quốc hội và Mặt trận.
Nhiều trọng trách và chiến công
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi, ông tham gia hoạt động yêu nước tại địa phương và ở Trường Trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội); năm 1940, khi 19 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Đình Bảng. Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ông được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách: Bí thư Ban cán sự Đảng bộ các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Xứ ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Hà Nội, góp phần chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa (19.8.1945) thắng lợi. Sau đó, ông từng giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ nhiệm, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Tháng 6.1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-1992). Đầu năm 1993, ông thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, sau đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (người đứng giữa) trao đổi với các ĐBQH tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, tháng 6.1987. Ảnh tư liệu
Với cương vị phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, ông luôn đi sát mặt trận, bám sát chiến trường, nắm chắc diễn biến từng trận đánh, gần gũi chiến sĩ, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, lập nên những chiến thắng vẻ vang như chiến dịch Biên giới (1950); Điện Biên Phủ (1954); Đường 9 - Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Đường 9 - Quảng Trị (1972); chiến dịch mở màn Buôn Ma Thuột đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Với những đóng góp to lớn và quan trọng, ông được phong quân hàm thiếu tướng năm 1958 và trung tướng năm 1974; ông được mệnh danh là “Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu...”.
Nhà lãnh đạo tiêu biểu, kiệt xuất
Những năm đầu 1980, nước ta lâm vào tình trạng khó khăn, với trách nhiệm Trưởng ban Ban Khoa giáo Trung ương, ông thông qua gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, làm cơ sở đề xuất nhiều vấn đề đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền… Nhiều ý kiến đề xuất của ông lần đầu tiên được đề cập và thể hiện trong “Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước” mà Đại hội lần thứ VI của Đảng thông qua.
Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, ông đã góp phần tích cực vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật như: Soạn thảo Hiến pháp năm 1992, các bộ luật, luật và pháp lệnh; quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với đất nước.
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch MTTQ Việt Nam (1994 - 1999), ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc phát huy tinh thần yêu nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng XHCN.
Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ông là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực về ý chí kiên cường, tinh thần tiên phong quả cảm; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Bác, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
NGUYỄN HUỲNH HUYỆN