V-League 2021 trở lại vào tháng 2.2022: Nhiều khó khăn cho các CLB
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vừa thông qua kế hoạch tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 do Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đề xuất. Với việc V-League 2021 lùi đến tháng 2.2022 mới tiếp tục thi đấu, các CLB đối mặt với nhiều khó khăn.
Ưu tiên cho đội tuyển quốc gia
Việc lùi V-League, Cúp Quốc gia 2021 và giải bóng đá hạng nhất quốc gia xuất phát từ việc đội tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Theo lịch, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ thi đấu 6 trận trong các tháng 9, 10 và 11.2021. Cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều nước khác, việc di chuyển phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách ly y tế. Vì vậy, quỹ thời gian dành cho V-League 2021 trong năm nay bị thu hẹp rất nhiều. Bên cạnh đó, AFF Suzuki Cup 2020 dự kiến diễn ra trong tháng 12.2021, nên V-League 2021 chỉ có thể trở lại từ tháng 2.2022 với điều kiện cơ bản khống chế được dịch Covid-19.
Dù được xả trại, một số cầu thủ Topenland Bình Định vẫn ở lại Quy Nhơn để tập luyện.
- Trong ảnh: Tiền vệ Đình Kha (áo cam) trong trận đấu với CLB Viettel tại V-League 2021. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Theo quyết định vừa được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua, V-League 2021 sẽ bắt đầu trở lại bằng các trận đấu bù vòng 13 giai đoạn 1 vào ngày 12.2.2022. Giai đoạn 2 (tách thành 2 nhóm, nhóm tranh ngôi vô địch gồm 6 đội đầu bảng và nhóm tránh xuống hạng gồm 8 đội đứng cuối) sẽ diễn ra từ ngày 16.2.2022 đến ngày 12.3.2022. Đặc biệt, sẽ chỉ có 1 suất xuống hạng thay vì 1,5 suất như điều lệ giải.
Trong khi đó, vòng 1/8 Cúp Quốc gia 2021 sẽ diễn ra vào ngày 17.1.2022, vòng tứ kết đá vào ngày 8.2.2022; các trận bán kết và chung kết sẽ thi đấu từ 15.3.2022 đến 18.3.2022. Hiện tại, sau vòng 12, với 29 điểm có được CLB Hoàng Anh Gia Lai đang tạm dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2021; CLB Toopenland Bình Định đứng thứ 8 với 16 điểm. Việc VFF thông báo quyết định lùi các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 giúp các đội bóng chủ động hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch, triển khai các công việc liên quan để chuẩn bị cho công tác chuyên môn, tài chính.
Lăn tăn về mật độ thi đấu
Lường trước được việc V-League sẽ lùi thời gian tổ chức các lượt trận còn lại khá dài, CLB Topenland Bình Định đã cho cầu thủ xả trại từ ngày 24.7. Theo kế hoạch, toàn đội sẽ tập trung trở lại ngày 1.9 để tập luyện. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành, nên một số cầu thủ như Trần Đình Kha, Nguyễn Tấn Tài (Khánh Hòa), Nguyễn Xuân Kiên, Đặng Văn Trâm (Hà Nội) cùng các cầu thủ ngoại chọn giải pháp ở lại TP Quy Nhơn. Nhóm cầu thủ này cùng những cầu thủ Bình Định vẫn duy trì tập luyện trên SVĐ Quy Nhơn các buổi chiều hằng ngày, chủ yếu là các trò chơi để duy trì phong độ, khả năng vận động với sự hướng dẫn của các trợ lý HLV Nguyễn Văn Cường, Bùi Đoàn Quang Huy, Nguyễn Văn Hiển và HLV thể lực Phillip Neiland.
Trong đợt thăm dò ý kiến của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vào cuối tháng 7 vừa qua, phía CLB Topneland Bình Định đồng ý với phương án mà Ban tổ chức đưa ra, trên cơ sở phương án đó phải đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cầu thủ cũng như thành viên các đội bóng. Tuy nhiên, nhìn vào phương án thi đấu vừa được VFF thông qua, có thể thấy lịch thi đấu của trận đấu bù vòng 13 và giai đoạn 2 khá dày. Theo đó chỉ trong vòng 1 tháng, các đội phải thi đấu ít nhất 6 trận; với các đội thuộc nhóm dưới (tạm gọi là nhóm tránh xuống hạng) phải thi đấu tổng cộng 8 trận (gồm trận đấu vòng 13 và 7 trận giai đoạn 2). Một trợ lý HLV CLB Topenland Bình Định nhận xét: “Với việc các đội bóng hầu như phải tập chay, không có đối tượng cọ xát trong quãng thời gian dài, cộng với thời gian di chuyển, việc thi đấu với mật độ dày như vậy rất dễ gây chấn thương cho cầu thủ”.
Bên cạnh đó, vấn đề mà tất cả các đội đang chơi ở V-League đối mặt khi giải kéo dài là phải đàm phán lại hợp đồng với cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ ngoại. Cùng với đó, ngân sách của các đội cũng bị ảnh hưởng đáng kể, khi phải chi trả lương cho cầu thủ cùng nhiều chi phí khác thêm 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đây chắc chắn là những khó khăn lớn với không ít CLB, đặc biệt với những đội vốn đã gặp khủng hoảng tài chính như Than Quảng Ninh. Do đó, ngay từ lúc này, VPF cũng phải tính toán đến việc hỗ trợ cho các đội để tránh phát sinh những tình huống không mong đợi, ảnh hưởng tiêu cực đến giải.
HOÀNG QUÂN