Bài toán ổn định sản xuất trong diễn biến dịch Covid-19: Cố gắng nhưng nhiều khó khăn
Trước tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh ngày càng phức tạp, nhiều DN đã khẩn trương triển khai “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đã và đang có những khó khăn cần được tháo gỡ để thực hiện mục tiêu này.
Ăn, ở, sản xuất tập trung
Từ ngày 25.6, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định bắt đầu thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy) với 400 nhân sự. Công ty đã chuẩn bị một số container 40 feet làm nhà ở tạm, trang bị giường tầng, tận dụng hội trường, phòng họp… để làm hơn 200 chỗ ở cho người lao động. Hiện tại, DN đang chia ca sản xuất, 50% số người lao động làm ca ngày và 50% số người làm ca đêm. Cho nên, hơn 200 chỗ ở đảm bảo cho người lao động nghỉ ngơi sau khi hết ca.
Khu vực lưu trú tập trung dã chiến cho người lao động Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An viên An Lộc Phát được khử khuẩn thường xuyên. Ảnh: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An viên An Lộc Phát
Để đảm bảo bữa ăn cho người lao động, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn tại TP Quy Nhơn. Đơn vị cung cấp thức ăn sẽ chở thức ăn đến công ty đủ 3 bữa/ngày, thực hiện bàn giao tại cổng công ty. Người chở thức ăn phải có giấy test nhanh hoặc xét nghiệm PT-PCR âm tính với Covid-19. Công ty cũng đặt hàng thực phẩm khô (mì tôm, phở, miến…) từ siêu thị để người lao động ăn khuya.
Ông Văn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định chia sẻ: “Vì mục tiêu đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch, công ty nỗ lực để đảm bảo các sinh hoạt cơ bản một cách tươm tất cho người lao động trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”; thực hiện xét nghiệm nhanh 2 lần/tuần, xét nghiệm PCR 1 lần/tuần. Công ty cũng hỗ trợ thêm 50.000 đồng/ngày/người như một cách động viên người lao động đồng hành với DN trong thời điểm khó khăn”.
Ông Vũ Hồng Quân, chủ sở hữu của Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An viên An Lộc Phát, cho biết: Các cơ sở sản xuất, làm việc thuộc nhóm công ty này đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo hoạt động sinh hoạt và sản xuất an toàn cho hơn 100 lao động.
Cụ thể, Công viên nghĩa trang Bình Định An Viên (tại tổ 4, KV 8, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho 60 lao động; Nhà máy sản xuất đá Vật liệu xây dựng Mỹ Quang (tại thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) áp dụng phương án “1 cung đường 2 điểm đến”cho 45 lao động. Nhà máy đưa đón người lao động từ nơi lưu trú tập trung đến nơi sản xuất và ngược lại, thực hiện các hoạt động sinh hoạt (ăn, ở, vệ sinh, xét nghiệm) tại khu vực lưu trú tập trung dã chiến của đơn vị. Khu vực này được phân luồng các không gian sinh hoạt (nghỉ ngơi, sinh hoạt chung, nhà ăn, nhà bếp, vệ sinh khử khuẩn, cách ly khẩn cấp) một cách rõ ràng, riêng biệt.
Các công tác tổ chức bữa ăn, sinh hoạt và xét nghiệm đảm bảo yêu cầu giãn cách. Thực phẩm cho bữa ăn được đặt từ các chợ đầu mối, được chế biến, cấp cho người lao động bằng khay và qua bàn ăn có vách ngăn. Đơn vị cũng thực hiện xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần để bảo đảm việc lây nhiễm chéo. Điểm trọng tâm trong thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” là tinh thần và ý thức hợp tác của toàn thể cán bộ nhân viên. DN đã nắm bắt tư tưởng và động viên người lao động để cùng thực hiện mục tiêu an toàn sức khỏe, giữ vững sản xuất.
Nhiều khó khăn
Đã lên phương án chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chỗ ở, chăn màn, làm việc với nhà cung cấp thực phẩm… sẵn sàng thực hiện “3 tại chỗ” khi phường Bình Định (TX An Nhơn) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, song Công ty CP May An Nhơn lại không thể triển khai được. Nguyên nhân là bởi 90% lao động của DN (trong tổng số khoảng 900 lao động) là nữ, chủ yếu ở độ tuổi đang nuôi con nhỏ, có thai nên mong muốn được về nhà, chăm sóc gia đình. Vì vậy, DN chấp nhận ngừng các hoạt động sản xuất, cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Đến nay, tổng số ngày thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động đã 15 ngày liên tục, đại diện Công ty CP May An Nhơn đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Đối với các DN đang triển khai “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, khó khăn cũng chồng chất. Đại diện Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định và Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An viên An Lộc Phát đều chia sẻ chi phí mà DN đang gồng gánh cho việc duy trì các giải pháp này gấp 3 lần so với hoạt động bình thường. Ngoài các chi phí ăn, ở, các chi phí thực hiện xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR, công tác phun khử khuẩn… đều rất tốn kém. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động cũng bị dao động, ảnh hưởng đến năng suất nếu xa gia đình quá nhiều ngày.
Ông Văn Thành Trung trao đổi: “Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, DN vẫn đang nỗ lực với các khoản chi này, chấp nhận các khó khăn. Mong mỏi lớn nhất của DN là Trung ương, tỉnh sớm “phủ” vắc xin cho đối tượng người lao động trong DN. Đồng thời, hy vọng Chính phủ có thêm nhiều chính sách chia sẻ, hỗ trợ DN về các chi phí điện, nước, các gói vay lãi suất ưu đãi… để DN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, chờ đến ngày dịch Covid-19 được đẩy lùi”.
Chung ý kiến với đại diện Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định, ông Vũ Hồng Quân đề xuất thêm: “Chúng tôi rất mong các cơ quan liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” thông qua các hội DN, ngành nghề, khu/cụm công nghiệp; hướng dẫn, tạo điều kiện để các DN quy mô nhỏ (dưới 10 người) hợp tác, tổ chức các cơ sở lưu trú tập trung bảo đảm an toàn. Mặt khác, tạo điều kiện để DN được xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR với chi phí thấp; ưu tiên vắc xin cho các DN đã và đang thực hiện các biện pháp trên”.
NGUYỄN MUỘI