Festival Huế 2014 trước giờ khai mạc: Không còn hỏi… “Người mô mà đông ri?”
Festival Huế đầu tiên tổ chức vào năm 2000 khi xem các chương trình nghệ thuật truyền hình trực tiếp trên vô tuyến hay có việc đi qua khu vực Đại nội, không ít người dân Huế giật mình buột miệng hỏi “người mô mà đông ri?”.
Thế nhưng trước giờ khai mạc Festival Huế 2014, chính những con người không mấy mặn mà ấy đã nhập cuộc hết sức hào hứng cùng các nghệ sĩ bốn phương chuẩn bị cho các chương trình nghệ thuật. Không chỉ thế, họ còn thể hiện mình như những nghệ sĩ thực thụ góp phần quảng bá văn hóa bản địa trong mùa lễ hội mang tầm quốc gia.
Sân khấu khai mạc Festival Huế vào tối 12-4 có quy mô hoành tráng và đẹp lộng lẫy nhất từ trước đến nay.
Sẵn sàng cho 9 ngày đêm không ngủ.
20 giờ ngày 12.4, Festival Huế 2014 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” khai mạc tại Kỳ Đài – Ngọ Môn. Hơn 40 đoàn nghệ của 37 quốc gia từ năm châu lục cùng với các đoàn nghệ thuật và hàng ngàn nghệ sĩ trong nước lần lượt có mặt tại Huế để cùng bước vào mùa lễ hội kéo dài chín ngày đêm. Du khách tề tựu về Huế, trong đó có rất đông giới văn nghệ sĩ, giới hoạt động văn hóa, du lịch khiến cố đô Huế yên tĩnh trở nên náo nhiệt, rộn ràng. Đó là “chất xúc tác” khiến hết thảy mọi người dân TP Huế với “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” không thể đứng ngoài cuộc chơi.
Sáng 12.4, hàng ngàn người dân và du khách đã tập trung về khuôn viên bảo tàng Văn hóa Huế nằm bên bờ Nam sông Hương thơ mộng tham dự lễ khai mạc liên hoan diều với chủ đề Những cánh bay Việt Nam lần thứ 8 với sự tham dự của các nghệ nhân diều đại diện 3 miền Bắc - Trung - Nam. Cạnh đó, triển lãm ảnh nghệ thuật niềm vui người lao động trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng được khai mạc. Ngoài ra, hàng loạt các hoạt động văn nghệ thuật cũng được khai mạc chào mừng Festival Huế vào sáng 12.4 trên khắp địa bàn TP Huế. Trong đó một điểm nhấn thu hút nhiều người dân và du khách là Lễ hội Bia Huế 2014 tại công viên Thương Bạc (TP Huế). Đây là hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2014 diễn ra hoành tráng với các món ăn đặc sản cùng các loại bia hảo hạng của Công ty TNHH Bia Huế.
Trong 3 đêm đầu tiên, mọi người được tham gia một chuyến hành trình đầy thú vị với các chủ đề: “Tinh hoa bia”, “Tinh hoa ẩm thức”, “Tinh hoa vùng đất và con người”. Cuối chặng hành trình là đêm hội “Kết nối tinh hoa”- nơi hội tụ của những giá trị tốt đẹp nhất của miền Trung. Hòa vào lễ hội, người tiêu dùng và du khách còn được trải nghiệm và hòa mình trong không gian rộn rã âm nhạc, các trò chơi có thưởng cực kỳ hấp dẫn, thưởng thức các món ăn đặc sản cùng các loại bia hảo hạng của Công ty TNHH Bia Huế. Bên cạnh đó, Huda còn là nhà tài trợ chính cho Liên hoan ẩm thực quốc tế Huế diễn ra từ ngày 15 đến 19.4 tại công viên Phú Xuân (TP Huế) với mức tài trợ 300 triệu đồng.
Trước đó, bên bờ sông Hương thơ mộng rực rỡ cờ hoa, hơn 1.000 bạn trẻ là học sinh, sinh viên học tập tại Huế cùng nhau biểu diễn màn Flashmob như một lời mời thân thiện: “Hãy về với Huế bạn ơi!”. Ngoài điệu nhảy Flashmob, các bạn trẻ đã cùng nhau đàn hát, nhảy những điệu nhảy hiện đại với kỹ thuật điêu luyện làm cho không khí của chương trình thêm rộn ràng và nhộn nhịp hơn… Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động của giới trẻ nhằm kêu gọi sự hưởng ứng Festival Huế 2014 diễn từ ngày 12 đến 20.4. Để có màn flashmob này, hơn 1.000 bạn trẻ này phải luyện tập trong nhiều tuần liền. Trong suốt quá trình tập luyện trước khi trình diễn, mọi thông tin, hình ảnh và video clip nhằm quảng bá cho sự kiện được đăng tải trên Youtube và các trang mạng xã hội để thu hút sự tham gia nhiều người dân.
Ngoài ra, rất nhiều nơi trên địa bàn TP Huế và những làng quê ở các huyện thị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân đang gấp rút chuẩn bị cho những chương trình lễ hội hưởng ứng Festival. Tại khu vực trung tâm huyện núi A Lưới, ông Hồ Hoa đang cùng con gái đến quán nét tìm kiếm thông tin về vũ đoàn Raduga của Nga và Đoàn ca múa nhạc An Giang và Lam Sơn Thanh Hóa sẽ về thị trấn A Lưới biểu diễn vào các ngày 14,15, 17,18 tháng 4. Ông Hồ Hoa xuýt xoa, không ngờ có ngày đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy… sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ này lại được tận mắt xem các nghệ sĩ đến từ nước Nga xa xôi và các đoàn nghệ thuật nổi tiếng từ các địa phương khác về biểu diễn.
Nằm cách trung tâm TP Huế hơn 40km, Phước Tích- ngôi làng có lịch sử hình thành hơn 500 năm là nơi cư trú thôn quê người Việt điển hình ở vùng Bắc Trung bộ, trở nên rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội Hương xưa làng cổ trong Festival Huế lần thứ 8. Dân làng đã chia thành ba nhóm, một nhóm dựng cổng làng bằng tranh tre theo lối ngày xưa; một nhóm chuẩn bị sân khấu trước đình làng với những chòi tranh cho hội bài chòi, và một nhóm sắp xếp các sản phẩm để chuẩn bị đưa vào lò nung gốm theo lối truyền thống.
Ban tổ chức lễ hội Hương xưa làng cổ tại làng Phước Tích, cho biết lễ hội trong làng mình sẽ diễn ra vào từ ngày 14 đến 16.4 với các hoạt động ý nghĩa đậm đà nét truyền thống của quê hương Phong Điền như: hội đu tiên, đánh bài chòi, bịt mắt đập om, bịt mắt nấu cơm, làm bánh, kéo co, đua ghe trên dòng sông Ô Lâu… Đặc biệt, du khách sẽ cùng chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây làm ra, thông qua trưng bày các sản phẩm thủ công như: gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, Tương măng Phong Mỹ, đệm Bàng Phò trạch, Rượu Okay Phong Bình, Rượu Cườm Phong Chương, đan lưới Phong Bình, nước mắm Phong Hải… Hội đồng làng Phước Tích đã vận động toàn thể người dân tập trung dọn dẹp từng nhà, từng xóm và tìm cách làm vừa lòng du khách khi đến đây.
Nhiều lễ hội đặc sắc trong Festival Huế 2014
Chương trình nghệ thuật khai mạc lúc 20 giờ ngày 12.4 tại quảng trường Ngọ Môn; Đêm Hoàng Cung: 19 giờ các tối 15 và 19.4 tại Đại Nội, Huế; Lễ hội Áo dài: 20 giờ ngày 14 và 17.4 tại quảng trường Ngọ Môn; Chương trình sân khấu hóa tôn vinh Ca Huế “Hương Bình khúc tri âm” 20 giờ ngày 16.4 tại Nghinh Lương Đình; Đêm Phương Đông 21 giờ các tối 13, 15, 16 và 1.4 tại sân trước Điện Thái Hòa; Lễ tế Giao 3 giờ sáng 17.4 tại đàn Nam Giao; Chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa tại cầu Trường Tiền vào các tối 18 và 20.4; Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á – Mỹ La Tinh vào các buổi chiều 13 đến 19.4 trên những đường phố chính của TP Huế; Chương trình nghệ thuật bế mạc 20 giờ ngày 20.4 tại Công viên cầu Gia Hội.
Xuôi dòng Hương thơ mộng, cầu ngói Thanh Toàn- không gian chính diễn ra lễ hội Chợ quê ngày hội tại Festival Huế 2014 rộn ràng cờ xí. Những người nông dân ở đây đang nỗ lực chuẩn bị cho những “Show diễn” tại chương trình Chợ quê ngày hội mà chính họ là diễn viên cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật và các hội thi như tham quan nhà trưng bày nông – ngư cụ; làng vui chơi, làng ca hát; đêm thơ ca, hò, vè “Ai về Cầu ngói”… Hoạt động trình diễn các thao tác sản xuất, sinh hoạt truyền thống nông dân nông thôn như: xay lúa, giã gạo, giần, sàng, sảy; xay bột làm bánh; gói và nấu bánh chưng, bánh tét; đạp nước, tát nước, chằm nón…
Thỏa sức xem nghệ thuật miền phí
Ông Nguyễn Duy Hiền, Nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế nhìn nhận, sự nhập cuộc hết sức hào hứng của dân chúng những ngày qua đã làm cho Festival Huế thật sự là hội hè tràn ngập màu sắc âm thanh. Ðây là một kỳ vọng được nhắc đến rất nhiều ở các kỳ festival trước, và đến trước thềm Festival Huế 2014 thì nó đã hiển thị một cách rõ nét và sinh động. Tính cộng đồng là điểm nổi bật nhất của kỳ festival này" – ông Hiền cho biết thêm, đến lúc này mới có thể nói rằng Festival Huế đã thật sự là sân chơi của mọi người. Không chỉ dành cho những người không có điều kiện mua vé thỏa sức xem hơn 80% chương trình nghệ thuật được biểu diễn miễn phí, Ban tổ chức Festival Huế lần thứ 8 tiếp tục đưa về các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế về làng biểu diễn phục vụ người dân quê ở Phú Vang, Phú Lộc hay tận miền núi Nam Đông, A Lưới. Đây là cơ hội hiếm hoi mà những người dân nghèo sẽ nếm được “món ngon” của lễ hội. Nếu không có Festival Huế thì người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Thừa Thiên – Huế thật khó mà xem được những màn trình diễn của nghệ sĩ diễn viên đẳng cấp quốc tế. Không dừng lại ở đó, Festival Huế lần này còn đến với những người ốm đau ở bệnh viện và dành ba suất diễn cho công nhân vệ sinh, công trình đô thị và công an- những người đã đổ mồ hôi phục vụ lễ hội từ bao năm nay… Qua đó cho thấy tính nhân văn của một lễ hội, đó là điều mà ban tổ chức thật sự tâm đắc và lần này đã làm được.
Một mùa Festival nữa lại về. Vậy là Huế đã bước vào mùa Festival lần thứ 8. Công việc tổ chức một lễ hội văn hóa- nghệ thuật tầm cỡ quốc tế như Festival Huế, bây giờ đã trở nên quen thuộc đối với Huế. Những bỡ ngỡ, vừa làm vừa học như thuở ban đầu trong Festival lần đầu tiên năm 2000 (với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pháp) bây giờ không còn nữa. Huế đã tự tin, chính mình tổ chức lễ hội tầm cỡ này với tất cả những nỗ lực của mình.
Theo Văn Thắng (SGGPO)