Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh:
Tiến độ thực hiện còn chậm
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM) vừa làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai XDNTM tại Bình Định. Theo đánh giá chung, tuy đạt được một số kết quả bước đầu, song tiến độ thực hiện XDNTM trên địa bàn tỉnh khá chậm so với yêu cầu, tiến độ đã đề ra…
Tam Quan Bắc - huyện Hoài Nhơn là xã có hạ tầng nông thôn được xây dựng khá hoàn chỉnh. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Kết quả bước đầu
Trong 2 năm (2011-2012), nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của CTXDNTM Trung ương và tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (HTNT) trên địa bàn tỉnh là 18,9 tỉ đồng. Căn cứ vào điều kiện, nhu cầu trên địa bàn, các địa phương xác định các danh mục dự án đầu tư, lựa chọn những công trình thiết yếu gắn với phát triển sản xuất và đời sống nhân dân để thực hiện. Trong đó, hơn 80% vốn được đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, các địa phương đã chú trọng vận động nguồn vốn từ nhân dân để cùng tham gia thực hiện các dự án đầu tư, nhất là chú trọng vận động người dân trực tiếp hưởng lợi từ công trình, đóng góp thông qua các hình thức như: hiến đất, nguyên vật liệu, ngày công, bằng tiền…
Tính đến nay, toàn tỉnh đã bê tông được gần 184 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 799 km kênh mương, góp phần tăng diện tích tưới chủ động toàn tỉnh 92.500ha/năm. Các địa phương đã lựa chọn những mô hình phát triển sản xuất phù hợp, gắn với sản xuất hàng hóa, lồng ghép với các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn, chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế liên kết với người dân để cùng tham gia. Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, tăng thu nhập, như: hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn); hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao tiến bộ KHKT để xây dựng cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh… Bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh cũng đã hỗ trợ 2,64 tỉ đồng giúp các địa phương đầu tư phát triển sản xuất.
Qua rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí XDNTM, toàn tỉnh có 2 xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên (chiếm tỉ lệ 1,6%) gồm xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn); 13 xã đạt từ 9-13 tiêu chí (chiếm tỉ lệ 10,5%); 66 xã đạt từ 5-8 tiêu chí (chiếm tỉ lệ 53,2%); 43 xã đạt từ 1-4 tiêu chí (chiếm tỉ lệ 34,7%). Ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 27 xã đạt 19/19 tiêu chí về XDNTM và đến năm 2020 có 64 xã đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 50% tổng số xã khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Qua hơn 2 năm triển khai XDNTM đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, người dân khu vực nông thôn đã đóng góp trên 192 tỉ đồng và tham gia hiến 92.000 m2 đất để xây dựng HTNT; tạo khí thế sôi nổi, hăng hái và có sức lan tỏa mạnh, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh - cho biết: “Tuy đạt được những kết quả nhất định, song CTXDNTM triển khai trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế: Chưa có sự đồng bộ, nhịp nhàng trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện; tiến độ thực hiện XDNTM còn chậm so với yêu cầu do gặp khó khăn trong công tác lập đồ án quy hoạch, xây dựng đề án XDNTM. Bộ máy tổ chức, điều hành Chương trình tại một số địa phương còn khá lúng túng dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia XDNTM. Đáng chú ý là công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án XDNTM triển khai còn chậm, đến nay mới chỉ có 50% trong số 64 xã hoàn thành XDNTM đến năm 2020 được phê duyệt đồ án quy hoạch; 12/64 xã lập xong đề án XDNTM…”.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương CTXDNTM, đã đánh giá rằng tiến độ thực hiện XDNTM trên địa bàn tỉnh còn khá chậm so với mức trung bình chung của cả nước; đồng thời yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch, lập đề án XDNTM; đảm bảo công tác này phải hoàn thành dứt điểm vào cuối tháng 5.2013. Trong công tác thực hiện, địa phương nên đưa ra các tiêu chí hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân; chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh; thay đổi cách suy nghĩ, cách chỉ đạo, quản lý thực hiện để CTXDNTM thực sự đi vào lòng dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, từng xã phải xác định rõ các thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội của mình gắn với tổng thể phát triển chung của huyện và tỉnh. Quy hoạch các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề cụ thể để có phương án đầu tư triển khai thực hiện hiệu quả; tập trung ưu tiên phát triển các dự án về cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, lưới điện, xây dựng các công trình vệ sinh công cộng, đào tạo nghề cho nông dân…
Thường trực Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đã kiến nghị với Trung ương một số vấn đề sau: Trung ương cần có quy định thống nhất, cụ thể bộ máy chỉ đạo, tổ chức quản lý, thực hiện CTXDNTM từ Trung ương đến địa phương; làm cơ sở để các địa phương kiện toàn bộ máy tổ chức. Hàng năm Trung ương cần xem xét tăng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho CTXDNTM của tỉnh để đảm bảo nguồn lực XDNTM, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành tài liệu đào tạo, tập huấn về XDNTM để các địa phương tổ chức đào tạo kịp thời, theo đúng quy định. Chính phủ cần ban hành cơ chế đầu tư đặc thù cho các xã XDNTM; chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép các chương trình, dự án hiện có để hỗ trợ các xã đầu tư XDNTM. Đồng thời, các Bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện các tiêu chí XDNTM, tạo thuận lợi để địa phương triển khai thực hiện.
NGUYỄN HÂN