Phòng bệnh van tim
Bệnh van tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây bệnh lý van tim thường gặp nhất ở Việt Nam là thấp tim. Thấp tim thường gây dày dính, co kéo, vôi hóa hệ thống van tim, làm cho van bị hẹp, lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây bệnh cảnh hẹp - hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Các nguyên nhân gây bệnh lý van tim ít gặp hơn như: Bẩm sinh (do sa van), do nhồi máu cơ tim (đứt dây chằng cột cơ gây hở van tim thường gặp nhất là van hai lá), do giãn các buồng tim trong bệnh lý suy tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim chu sản, bệnh cơ tim giãn vô căn… Đáng chú ý, ngày nay bệnh van tim có xu hướng trẻ hóa, phần lớn cũng vì lối sống kém lành mạnh của những người trẻ, như lười vận động, ăn uống không hợp lý, stress vì công việc.
Bác sĩ Phan Thanh Lâm, Khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh cho biết: Hở van tim ở mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng. Mỗi loại van tim lại có dấu hiệu khác nhau, tuy nhiên, bệnh hở van tim thường có những biểu hiện chính như: Khó thở khi bị hở van tim, đặc biệt là hở van động mạch phổi thì người bệnh sẽ thấy khó thở, nhất là khi nằm xuống. Một số dấu hiệu là: Hoa mắt, chóng mặt, ho nhiều nhất là vào ban đêm, sưng chân hoặc mắt cá chân. Do hở van, năng lực tuần hoàn giảm sút mạnh nên người bệnh thường rất dễ mệt mỏi. Nếu lao động nặng, quá sức có thể dẫn đến ngất xỉu.
Nếu được tầm soát tốt, ta có thể phát hiện bệnh van tim khi còn ở giai đoạn đầu. Cùng với đó nếu được chữa trị đúng mực vẫn có thể giữ cho bệnh nhân cuộc sống bình thường. Ở những giai đoạn nặng, khi đã có hiện tượng mệt, khó thở và người bệnh sẽ dễ mắc các biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch não, nhồi máu cơ tim, suy đa phủ tạng.
Để phòng bệnh hở van tim ta nên tập thể dục 30 - 60 phút mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch; cần chủ động ngăn ngừa thấp tim, nhất là cẩn trọng với các trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)