MỞ RỘNG DIỆN TÍCH SẢN XUẤT LÚA SRI GIAI ĐOẠN 2020 - 2025:
Thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho nông dân
Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu nâng diện tích sản xuất lúa thâm canh cải tiến (SRI) lên 5.000 ha. Thực hiện mục tiêu này vừa góp phần tăng thu nhập cho nông dân, vừa gia tăng khả năng thích ứng sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Hiệu quả từ SRI
Diện tích canh tác lúa hằng năm của tỉnh Bình Định vào khoảng 110 nghìn héc ta, chủ yếu theo từng nông hộ riêng lẻ, diện tích nhỏ. Mặt khác, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu (sạ dày, giữ nước thường xuyên trong ruộng, đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính). Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến sản xuất.
Nông dân huyện Tuy Phước chăm sóc lúa áp dụng mô hình SRI vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Ảnh: MINH TIẾN
Những năm qua, ngành Nông nghiệp Bình Định có định hướng phát triển sản xuất lúa theo quy mô lớn, hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Và SRI chính là mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác lúa, tăng năng suất, tăng thu nhập, cùng với đó làm giảm tác động lên môi trường.
Từ năm 2012, tỉnh Bình Định chính thức triển khai thử nghiệm mô hình SRI. Giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh triển khai mô hình SRI dựa trên dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi - giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững”, thí điểm ở 4 địa phương: Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, TX Hoài Nhơn. Giai đoạn 2016 - 2021, Dự án nâng cao quyền năng phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp do Chính phủ Hà Lan tài trợ xây dựng, phát triển và duy trì mô hình SRI ở 11 HTXNN tại 3 địa phương: Tây Sơn, Tuy Phước, TX Hoài Nhơn.
Qua 2 giai đoạn, đã có 1.190 ha canh tác lúa áp dụng SRI thành công, với gần 6.000 nông hộ tiếp nhận và áp dụng quy trình này, từ đó tăng thu nhập so với sản xuất truyền thống từ 22 - 26%.
Bà Lê Thị Kim Nhường, Phó Giám đốc HTXNN Ngọc An, ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn, cho hay, HTX bắt đầu áp dụng SRI từ vụ Đông Xuân năm 2016 - 2017 trên diện tích 50 ha/600 nông hộ tham gia. Đến vụ Đông Xuân 2020 - 2021, HTX đã mở rộng quy mô thực hiện toàn phường Hoài Thanh Tây với diện tích 200 ha, năng suất đạt bình quân 75 tạ/ha, trong khi ruộng ngoài mô hình chỉ đạt 68 tạ/ha. Ưu điểm của SRI là giảm lượng giống gieo sạ, tiết kiệm chi phí giống, giảm lượng nước tưới (tưới ướt khô xen kẽ) phù hợp với thời tiết khô hạn trong những năm gần đây. Trong thời gian đầu bà con còn bỡ ngỡ, nhưng nhờ cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh hướng dẫn tận tình, bà con dần tiếp nhận và thực hiện hiệu quả.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Thật, ở khu phố Ngọc An Đông, phường Hoài Thanh Tây, nhận xét, ban đầu mới tham gia bà chưa hình dung được về SRI, song qua 3 vụ lúa, năng suất tăng rõ rệt, chi phí đầu vào giảm so với lối canh tác truyền thống.
Áp dụng SRI vào các dự án liên kết sản xuất của HTXNN
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được từ các mô hình SRI đã thực hiện, thời gian qua Trung tâm đã hỗ trợ các HTXNN trong tỉnh xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt 7 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm áp dụng kỹ thuật SRI, gồm: HTXNN Phước Hưng, HTXNN Phước Sơn 1, HTXNN Phước Quang, HTXNN Phước Lộc, HTXNN Phước Thắng, HTXNN Phước Thuận (huyện Tuy Phước) và HTX Nhơn Lộc 1 (TX An Nhơn), với tổng diện tích 810 ha/3.627 hộ tham gia. Năng suất đạt trung bình là 70,9 tạ/ha, cao hơn 2,1 tạ/ ha so với ngoài mô hình.
Trên cơ sở đó hiệu quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các HTXNN mở rộng diện tích áp dụng SRI; đồng thời vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Trung tâm thí điểm sản xuất SRI ở 3 địa phương Hoài Nhơn, Hoài Ân và Vân Canh. Với lộ trình này, trong giai đoạn 2020 - 2025, việc tăng diện tích thâm canh lúa SRI lên 5.000 ha là khả thi.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết, trên cơ sở chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTXNN Phước Hưng áp dụng phương pháp SRI với diện tích 150 ha, trong đó diện tích trong dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm là 50 ha. Theo bà Võ Thị Thu Cúc (thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng), tham gia vào dự án cánh đồng liên kết và áp dụng kỹ thuật canh tác lúa SRI đem lại hiệu quả cao. Quan trọng là khi tham gia mô hình, bà nắm bắt được kỹ thuật, hiểu rõ việc canh tác kiểu cũ lạm dụng phân bón, giống, nước, thuốc bảo vệ môi trường về lâu dài có hại.
THU DỊU