Nên ưu tiên tiêm vắc xin cho thân nhân nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19
Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đã có rất nhiều lực lượng cùng tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Sự vất vả của lực lượng này không sao kể hết. Trong đó, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 là nhóm có nguy cơ cao bị phơi nhiễm và mắc Covid-19. Và trong thực tế, đã có không ít nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19.
Mặc dù sau khi tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, các y bác sĩ, nhân viên y tế đều được làm các xét nghiệm, cách ly theo quy định trước khi về nhà nhưng cũng không thểlường trước được sự phức tạp của dịch bệnh, nên nguy cơ lây nhiễm cho thân nhân họ là khó tránh khỏi. “Xong một đợt điều trị bệnh nhân Covid-19 trở về nhà là lại lo lắng, phập phồng, không biết mình có mang con vi rút ấy về lây cho người thân trong nhà không”, một nhân viên y tế chia sẻ.
Trong thời bình mà nhiều y bác sĩphải xa gia đình, con nhỏ, cha mẹ cả tháng trời đểtham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, thì đó là một sự hy sinh lớn. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, trong 9 nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19, không có thân nhân của những cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo tôi, nhà nước nên bổ sung thân nhân của cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 vào nhóm những đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin. Đây không phải là sự ưu ái mà là việc phải làm để kịp thời động viên những người hằng ngày trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, phải đối mặt với những rủi ro rất lớn.
Có như thế thì các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, mà nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, mới yên tâm công tác, đóng góp sức lực, trítuệ vào việc điều trị bệnh nhân, đẩy lùi đại dịch. Và cũng bởi, hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới toàn tâm toàn ý vào việc chống dịch.
BÙI VĂN
(Quy Nhơn)