Bút và viết
Hai từ này thường được phân biệt ở chỗ một là danh từ, một là động từ. Nhưng kỳ thực, chúng lại là một. “Từ điển tiếng Việt” ghi nhận viết cũng là danh từ, nghĩa là “bút”, như trong cây viết, viết chì (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.1078).
Tìm về nguồn gốc của từ ta sẽ rõ hơn điều này. Bút vốn là một từ Hán Việt và viết chính là “người anh em” của nó. Bút thuộc bộ trúc (liên quan đến tre trúc) vốn là “cây bút” (như trong bút mực, bút nghiên, chấp bút); rồi chuyển nghĩa động từ chỉ hoạt động dùng bút để viết, vẽ (như trong bút pháp, thủ bút). Hiện tượng một từ vừa là danh từ chỉ sự vật, vừa là động từ chỉ hoạt động liên quan đến sự vật đó như bút ta cũng có thể gặp trong tiếng Việt: sơn (như cách nói sơn xe bằng sơn màu đỏ), trang (lấy cái trang đi trang lúa).
Như vậy, về nghĩa, bút chính là viết. Về âm, hai từ này là biến âm của nhau. Bút ~ viết cũng như bản ~ ván, bái ~ vái, biên ~ viền, bích ~ vách… vì hai phụ âm b- và v- dễ dàng chuyển hóa cho nhau. Còn quan hệ giữa hai vần -ut và -iêt ta cũng có không ít bằng chứng: miệt (nghĩa là “vứt bỏ”) ~ vụt, phương ngữ Bình Định là dụt; kiết (nghĩa là “rửa sạch”) mà dấu vết của nó còn để lại ở từ gụt [đồ cho sạch] trong phương ngữ Quảng Nam…
Liên quan tới bút mực, tiếng Việt còn có một số từ gốc Hán khác. Có thể kể ra như:
- Biên trong biên thư do chữ biên (bộ mịch), nghĩa là “soạn ra”;
- Chép trong chép bài là bởi chữ tráp (bộ trúc), nghĩa “chép, chép ra thẻ để nhớ” (tráp ~ chép cũng như áp ~ ép, pháp ~ phép);
- Ghi là do chữ ký (bộ ngôn), nghĩa là “ghi lại” (ký ~ ghi cũng như kỷ ~ ghế, can ~ gan, cân ~ gân);
- Sao trong sao y bản chính bắt nguồn từ chữ sao (bộ thủ), nghĩa “chép lại”;
- Vẽ trong tranh vẽ do chữ họa (bộ điền), nghĩa là “vẽ, bức vẽ” (họa ~ vẽ cũng như hòa ~ và, hoàng ~ vàng, [nghi] hoặc ~ [ngờ] vực và trà ~ chè, xa ~ xe)…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ