Nạn lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tà Niêng: Cần xử lý dứt điểm
Những năm qua, một số hộ dân ở xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) tự ý lấn chiếm nhiều diện tích đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khu vực hồ Tà Niêng (xã Vĩnh Thuận) để canh tác, sản xuất nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan chưa ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Lấn chiếm đất rừng phòng hộ
Theo phản ảnh của người dân ở làng 5 (xã Vĩnh Thuận), những năm gần đây, một số hộ ở làng 2, làng 5, làng 7 (xã Vĩnh Thuận) tự ý vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tà Niêng để lấn chiếm đất, phát rừng làm nương rẫy với diện tích hàng nghìn mét vuông. Đáng nói, trong số các trường hợp vi phạm có ông Đinh Văn Sao - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Thuận. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc, cho rằng có sự nể nang trong việc kiểm tra, xử lý; dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhiều diện tích đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 3, tiểu khu 218A (xã Vĩnh Thuận) bị người dân lấn chiếm để canh tác. Ảnh: HỒNG PHÚC
Đầu tháng 8.2021, phóng viên Báo Bình Định về khu vực hồ Tà Niêng để xác thực thông tin. Theo quan sát, ở khu vực triền núi phía Đông hồ, nhiều diện tích đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ đã bị lấn chiếm, phát dọn cây rừng để canh tác. Ngoài ra, tại khu vực suối Tà Băng (phía Nam hồ Tà Niêng), một người dân có hộ khẩu ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) cũng “xí” hàng nghìn mét vuông đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ để “làm của riêng”. Ngoài trồng cây điều, một số trường hợp còn xây dựng nhà sàn, chuồng nuôi nhốt gia súc trên đất lấn chiếm.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh và Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Vĩnh Thạnh, bước đầu xác định được 5 hộ lấn chiếm đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khu vực hồ Tà Niêng để trồng cây điều, trong đó có ông Đinh Văn Sao. Các vị trí đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm thuộc khoảnh 3, khoảnh 6, tiểu khu 218A và khoảnh 1, tiểu khu 226; tổng diện tích lấn chiếm hơn 1 ha.
Cần ngăn chặn, xử lý dứt điểm
Ông Nguyễn Văn Phúng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận, cho biết: Tình trạng một số hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tà Niêng xảy ra cách đây đã nhiều năm. Tuy nhiên trước đây, chính quyền địa phương chỉ mời các trường hợp vi phạm nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết không tái phạm chứ chưa xử lý quyết liệt, triệt để. Đây là nguyên nhân dẫn đến vi phạm kéo dài đến nay.
“Riêng phản ảnh liên quan đến đồng chí Sao, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã chưa nắm cụ thể, mới chỉ biết khi Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh về địa phương làm việc. Do vậy, phải chờ kết luận từ các ngành chức năng có liên quan”, ông Phúng cho hay.
Tăng cường kiểm tra biên rẫy giáp ranh rừng
Ông Ðặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Ðể nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, đơn vị đã và đang tăng cường việc kiểm tra, rà soát các biên rẫy giáp ranh với rừng tự nhiên và đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ trên địa bàn huyện. Qua đó, định vị tọa độ, đánh dấu các khu vực biên rẫy giáp ranh và yêu cầu người dân có rẫy không lấn biên, phá rừng, xâm phạm đất rừng phòng hộ trên địa bàn xã Vĩnh Thuận nói riêng, huyện Vĩnh Thạnh nói chung.
Còn theo ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban QLRPH huyện Vĩnh Thạnh, diện tích đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khu vực hồ Tà Niêng trước kia do UBND xã Vĩnh Thuận quản lý, đơn vị mới tiếp quản từ tháng 7.2021 nên chưa nắm tường tận. Hầu hết các vị trí người dân lấn chiếm đã xảy ra cách đây nhiều năm, phần lớn người vi phạm là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Hạt Kiểm lâm và Ban QLRPH huyện Vĩnh Thạnh đang phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xác định cụ thể diện tích, ranh giới lấn chiếm để xử lý theo đúng quy định. Vấn đề nan giải hiện nay là Ban QLRPH chưa được cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất rừng phòng hộ được giao quản lý. Do đó, khi xảy ra việc lấn chiếm, đơn vị này gặp khó khăn trong xử lý.
Có thể thấy, để xảy ra vi phạm nêu trên trong thời gian dài nhưng chưa giải quyết dứt điểm là trách nhiệm của UBND xã Vĩnh Thuận và ngành chức năng liên quan của huyện Vĩnh Thạnh. Do đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp xử lý triệt để nhằm lập lại trật tự trong quản lý đất đai, bảo vệ rừng tại xã Vĩnh Thuận.
VĂN LỰC - HỒNG PHÚC