“Đi chợ ” an toàn mùa dịch
Tháng 7 vừa qua, Sở TT&TT đã đưa vào hoạt động hệ thống thông tin các dịch vụ bán hàng mang đi, có chức năng “chỉ đường”, tạo tiện lợi cho người dân mua hàng trong mùa dịch và hỗ trợ người bán hàng quảng bá dịch vụ.
Hệ thống được xây dựng trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý, trên đó tích hợp địa chỉ các điểm bán hàng gắn với tọa độ địa lý, tạo thành bản đồ các điểm bán hàng. Bản đồ được chia làm 2 nhóm: Nhóm theo địa bàn và nhóm theo mặt hàng. Trên bản đồ, mỗi địa bàn và mỗi mặt hàng sẽ có những màu sắc khác nhau, tạo thuận lợi cho người dùng dễ phân biệt, tìm kiếm. Ngoài bản đồ, dịch vụ còn tích hợp thông tin về thời gian hoạt động, địa chỉ, sản phẩm, số điện thoại...
Quán phá lấu - lẫu nước Oshi phục vụ bán hàng mang về và giao tận nhà. Ảnh: HỒNG HÀ
Từ khi thành phố có lệnh tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, chỉ cho phép bán mang về, anh Nguyễn Kha, chủ một quán lẫu trên đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn vẫn mở cửa và chờ khách quen đến mua mang về. Tuy nhiên, cách bán hàng này khiến anh Kha mất khoảng 60% lượng khách. Từ khi chuyển sang bán hàng giao hàng tận nhà, bổ sung nhiều món mới, đăng ký vào hệ thống thông tin các dịch vụ bán hàng mang đi, tình hình được cải thiện. Tuy doanh thu không bằng như trước, nhưng cũng giúp anh có được nguồn thu nhập trong mùa dịch.
Anh Kha chia sẻ: “Hệ thống giải quyết được một phần khó khăn của người bán hàng trong mùa dịch, đó là tiếp cận và tạo sợi dây kết nối với khách hàng. Nhìn chung, hệ thống này giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và tiết kiệm chi phí vì không phải bỏ tiền chạy quảng cáo như trên các trang mạng xã hội”.
Với người mua hàng, trong tình hình hiện nay có nhiều quán ăn đóng cửa, bản đồ giúp họ xác định nhanh các điểm bán hàng đang mở cửa và điểm bán hàng gần nơi ở để đến mua hàng. Cũng từ hệ thống, người mua hàng biết được những quán có phục vụ giao hàng tận nhà, biết được số điện thoại để đặt hàng, qua đó hạn chế hoạt động đi lại.
Chị Đỗ Trúc Quyên (TP Quy Nhơn) nhận xét: “Trong tình hình dịch như hiện nay, sự an toàn và tiện lợi là yếu tố hết sức cần thiết. Hệ thống không chỉ đáp ứng các yếu tố đó, mà còn giúp người mua hàng như tôi giải quyết được nhu cầu ăn uống hằng ngày và ăn uống theo sở thích”.
Theo Sở TT&TT, từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đã tích hợp thông tin của khoảng 400 cơ sở cung cấp các loại dịch vụ bán hàng mang đi trên địa bàn toàn tỉnh. Các dịch vụ cung cấp như: Cà phê, nước uống, cơm, bún, phở, cháo, các loại bánh... Ngoài địa chỉ https:// banhang.binhdinh.gov.vn, người dùng còn có thể truy xuất hệ thống trên Zalo qua kênh “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định”.
Việc nhanh chóng đưa hệ thống vào hoạt động đã góp phần thực hiện tốt các chủ trương của tỉnh về hạn chế đi lại trong mùa dịch. Tuy vậy, theo các khách hàng, hệ thống sẽ hoàn thiện hơn nếu hiển thị rõ bản đồ đường đi và tính năng chỉ đường. Anh Nguyễn Kha cũng bày tỏ mong muốn: “Các cơ quan chức năng liên quan tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết hơn về dịch vụ này. Càng nhiều người tương tác thì dịch vụ càng phát huy hiệu quả”.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha cho biết: Hệ thống vừa hoàn thiện thêm chức năng cho phép người dùng tra cứu theo địa bàn, trong đó mở rộng thêm địa bàn cấp huyện và tra cứu theo các loại mặt hàng, nhờ đó giúp người dùng có thể tra cứu nhanh hơn. Hiện, Sở đang chuẩn hóa dữ liệu, tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin và hoàn thiện các tính năng để thân thiện hơn với người dùng. Trên cơ sở nền tảng này, hệ thống sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nếu được tích hợp thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ trong mùa dịch để người dân tiện tra cứu, mua sắm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi và đối tượng phục vụ.
HỒNG HÀ