Trang trí hoa văn trên đồ gốm chăm Bình Định:
Từ truyền thống đến hiện đại
Trong đồ gốm, ngoài kiểu dáng, chất liệu, một vấn đề khác khiến giới mỹ thuật cổ say mê nghiên cứu, đó là các đề tài hoa văn trang trí trên gốm. Nói đến gốm truyền thống Bình Định, phải nói đến gốm của người Chăm. So với các trung tâm sản xuất khác trong khu vực Đông Nam Á, các đề tài hoa văn trang trí trên gốm Chăm không phong phú bằng, dù vậy, gốm Chăm vẫn có một phong cách, vẻ đẹp riêng.
Một thời rực rỡ
Gốm Chăm Bình Định được trao đổi hầu hết ở các thị trường trong khu vực Đông Nam Á và có mặt trên vùng Ai Cập xa xôi. Trong Hoàng Thành Thăng Long, ngoài sản phẩm của nhiều dòng gốm khác, giới nghiên cứu đã tìm thấy các sản phẩm gốm Bình Định, chứng tỏ đã có giao lưu, trao đổi với Đại Việt trong lịch sử. So với đồ gốm các lò phía Bắc cùng thời, thì gốm Chăm Bình Định hoa văn trang trí khá đơn giản. Tuy nhiên, sự đơn giản này không có nghĩa là những người thợ gốm Champa Bình Định không đủ tài hoa để thể hiện mà do ảnh hưởng từ văn hóa, tôn giáo của họ.
Khi phân tích hoa văn chạm khắc trên sản phẩm gốm Chăm Bình Định, các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ nước ngoài cho rằng, đặc điểm hoa văn chủ yếu là dạng dải cuộn trang trí theo chiều nằm ngang rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, cách trang trí trong khung khép kín cũng khá phổ biến. Trang trí khung được thể hiện ở ba dạng khác nhau: in trên thành miệng sản phẩm, kiểu khung đắp nổi thành hình chữ nhật hay hình tròn và dạng đơn giản nhất là tạo khung chung quanh một hoa văn. Chính phong cách trang trí kiểu hồi văn trong các công trình kiến trúc tháp là một trong những nguồn cảm hứng để người thợ gốm Chăm sáng tạo mô típ này.
Đề tài linh vật cũng là mô típ hoa văn phổ biến trên gốm Chăm Bình Định, trong đó thường gặp nhất là hình rồng và makara. Makara là hình tượng nghệ thuật chủ đạo của nền văn hóa Chăm, hoa văn rồng ra đời muộn hơn, ảnh hưởng từ phong cách Trung Hoa và Đại Việt. Hoa văn trang trí hình rồng trên đồ gốm Chăm Bình Định thể hiện sự phong phú, đó là hình rồng nằm trong khung trang trí, chân chống xuống đáy khung, đầu ngẩng lên trên; hình rồng thân hình uốn vươn lên trên đầu…
Ngoài ra, các hoa văn mây dạng uốn, dải sóng, lá đề, cúc dây, cánh sen ngửa, chim công, chim vẹt, ngọn lửa cách điệu… là những đặc điểm truyền thống của gốm Chăm Bình Định. Đặc biệt, trên một số ít sản phẩm gốm Chăm Bình Định còn thấy hoa văn hình vẽ khuôn mặt của phụ nữ Âu châu. Điều này cho thấy mối quan hệ giao lưu của người Chăm và châu Âu trong lịch sử. Qua hoa văn trang trí trên đồ gốm Bình Định, chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng của quá trình giao lưu văn hóa của vương quốc Chăm với các nước trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ… và thậm chí có cả ảnh hưởng từ châu Âu đến.
Tiếp nối và chững lại
Kể từ khi khu vực Bình Định thành một phần của Đại Việt (từ thế kỷ XV), đến thế kỷ XIX và XX, nghề làm gốm vẫn tiếp tục phát triển. Trong bài viết có tiêu đề “Ghi chép về nghề làm gốm ở Bình Định” in trong tạp chí Những người bạn xứ Huế (xuất bản năm 1927), tác giả Roland Bulteau đã thống kê trên toàn Bình Định có tất cả 17 làng sản xuất gốm. Bên cạnh những ghi chép sơ lược về quy mô sản xuất, mẫu mã sản phẩm, nguồn nhân công lao động, thị trường tiêu thụ…, hoa văn trang trí là nội dung được đề cập, phân tích khá cụ thể trong bài viết.
Theo đó, hoa văn trang trí trên gốm Bình Định giai đoạn này cho thấy sự sáng tạo của chủ nhân người Việt và sự tiếp nối truyền thống từ gốm Chăm, cộng với sự giao lưu, ảnh hưởng từ Trung Hoa.
Hoa văn đề tài tứ linh hay chim muông, thú được tìm thấy phổ biến ở sản phẩm gốm tráng men. Đó là hoa văn hình rồng nổi giữa các đám mây, thân rồng cuộn tròn bao quanh sản phẩm hay hoa văn hình kỳ lân, rùa. Trang trí hình chú hươu đứng dưới cây thông hay chim chóc đậu trên cây mận theo tích mai điểu, tùng lộc cũng rất thường gặp, đôi khi còn đi kèm hoa văn với trang trí chữ Hán. Trang trí hình thú còn có hình con vịt, cò, hạc, thằn lằn, cóc…
Mảng hoa văn thiên nhiên tạo vẻ đẹp giản dị, chân phương, thanh nhã cho gốm Bình Định. Đó là hoa văn hoa mai năm cánh, hoa cúc, đôi khi chỉ là một nhành tre, với các lá tre mỏng mảnh bên trong là hình chú chim đang nhảy nhót…. Các phong cảnh này thường được người thợ gốm đóng khung bằng một đường viền vuông có các góc cắt. Bên cạnh đó, mảng hoa văn trang trí đường kẻ song song, đường ngoằn ngoèo, đường gẫy khúc hình tam giác hay lục giác, hình sóng nước, hình chấm nổi, hình cánh sen, hình chữ triện… cũng khá phổ biến.
Nhìn chung, các đề tài trang trí trên các sản phẩm gốm Bình Định từ truyền thống đến hiện đại có những nét giống nhau, đó là sự phóng túng trong cách thể hiện, không gò bó quy chuẩn như cách trang trí trên các đồ gốm phía Bắc. Nếu đề tài trang trí trên gốm Chăm thường là những đề tài gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, thì trên các sản phẩm gốm người Việt Bình Định, phần nhiều là những đề tài dân gian phản ánh những nếp sống sinh hoạt thường ngày.
Đến nay, có thể nói nghề gốm Bình Định đã tàn phai đi rất nhiều. Như đã dẫn ở trên, nếu ngày xưa, Bình Định có 17 làng sản xuất gốm từ Bắc xuống Nam tỉnh, trong đó có 5 làng làm gốm có tráng men, thì nay chỉ còn vài làng. Điều đáng nói là tất cả đều làm gốm không men với trình độ kỹ thuật thấp. Không cạnh tranh nổi với các trung tâm sản xuất gốm tráng men lớn và nổi tiếng trong nước, gốm Bình Định thu mình tồn tại lặng lẽ và bền bỉ ở mặt hàng gốm đất nung gia dụng. Tiêu biểu là các làng nghề làm gốm đất nung như Vân Sơn (Nhơn Hậu - thị xã An Nhơn), Vĩnh Trường (Cát Hanh - Phù Cát), Mỹ An (Tây Bình -Tây Sơn)… Kỹ thuật làm gốm tráng men của Bình Định đã bị thất truyền một cách lặng lẽ và vô cùng đáng tiếc.
Tiến sĩ ĐINH BÁ HÒA