Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Sau hơn 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7.1.2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tỉnh ta đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Phát huy hiệu quả tích cực
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 53-CV/TU ngày 14.3.2016, Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 29.3.2018 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Ban hành các văn bản liên quan yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long với người dân thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát về Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (ảnh chụp trong tháng 6.2021). Ảnh N. MUỘI
Bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đánh giá: Kết quả sau hơn 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, các cấp, các ngành trong tỉnh đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử trong quan hệ, giải quyết các công việc đối với tổ chức, cá nhân theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Các hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ hơn quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ để phát huy quyền làm chủ của mình, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.
Đáng ghi nhận là người đứng đầu các cấp, các ngành đã thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân. Từ năm 2016 - 2020, lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 24.268 lượt/34.596 công dân. MTTQ các cấp đã phối hợp, chủ trì tổ chức 15.000 cuộc tiếp xúc giữa ĐBQH, đại biểu HĐND trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp với hàng nghìn lượt người tham dự. Tổ chức đối thoại với nhân dân 215 cuộc về một số vấn đề bức xúc ở địa phương, nhân dân quan tâm.
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Hằng năm, UBND thị xã xây dựng và triển khai thực hiện 2 đợt đối thoại/năm, phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua các buổi đối thoại với nhân dân, lãnh đạo thị xã đã kịp thời tiếp thu và giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Từ đó, lãnh đạo các cấp có hướng xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân, các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp, kéo dài, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Theo ông Trần Văn Bích, ở KV Mai Xuân Thưởng, phường Bình Định (TX An Nhơn), việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm chú trọng và mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Chuyển biến tích cực dễ nhận thấy nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của UBND phường Bình Định. Thái độ, tác phong, tính chuyên nghiệp trong phục vụ của cán bộ, công chức tại đây được nhân dân đánh giá cao.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công, phụ trách, chú trọng ở các địa bàn cơ sở thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp. Tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; công khai dân chủ trong việc giải quyết các nội dung có liên quan đến công dân. Tiếp tục tổ chức đánh giá sự hài lòng của nhân dân, coi đó là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm QCDC ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân. Huy động cả hệ thống chính trị tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua thực hiện QCDC ở cơ sở, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến tham gia của nhân dân vào các chương trình, dự án phát triển KT-XH của địa phương.Tổ chức cho nhân dân giám sát các hoạt động của chính quyền theo quy định. Những nội dung lấy ý kiến tham gia của nhân dân tập trung vào những vấn đề sát sườn với cuộc sống như: Việc dồn điền đổi thửa để tổ chức sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn; mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; các công trình phúc lợi công cộng của xã, thôn, tổ dân phố; hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội…
NGUYỄN HÂN