Tấm biển Hương Thảo Thất
Phòng truyền thống nghệ thuật tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật liên quan bút tích của hậu tổ tuồng Đào Tấn. Trong đó, có tấm biển gỗ có ba chữ Hán viết theo lối thảo thư là Hương Thảo Thất (nghĩa là nhà thơm mùi hương cỏ).
Bút tích trên tấm biển Hương Thảo Thất do Đào Tấn viết khắc treo trước ngôi nhà của mình khi xưa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đào Tấn từng giữ nhiều vị trí, chức quan lớn dưới triều nhà Nguyễn nhưng ông được biết đến là một vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân. Ông cũng để lại cho đời nhiều tác phẩm tuồng, thơ văn. Năm 1904, sau khi từ bỏ chốn quan trường, Đào Tấn trở về quê nhà làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước (nay là thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) và sống cuộc đời thanh đạm. Ngôi nhà toạ lạc trên một khu vườn mai, tại ngôi nhà của mình ông tự tay viết khắc tấm biển Hương Thảo Thất treo trước nhà, đồng thời, mở học bộ đình tại quê nhà để đào tạo lớp học trò diễn tuồng. Đây cũng chính là “gánh hát bội” chuyên nghiệp thứ hai (sau học bộ đình Nghệ An) được ông lập nên.
Để có kinh tế lo cho trường dạy hát bội của mình tại quê nhà, Đào Tấn phải bán dần bốn mẫu “lộc điền” được coi là ân huệ cuối cùng của triều đình cấp cho ông khi về hưu để dồn sức của cho hoạt động nghệ thuật. Năm 1907, Đào Tấn mất và được an táng tại sườn núi Huỳnh Mai (nay thuộc địa phận xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước).
Dẫu cổng làng Vinh Thạnh Lý Môn vẫn còn, nhưng học bộ đình cùng ngôi nhà xưa kia của Đào Tấn không còn nữa, song những bút tích, cùng tấm biển Hương Thảo Thất do chính tay ông khắc vẫn còn được lưu giữ cho đến nay - đó là những giá trị văn hóa liên quan đến danh nhân, vị hậu tổ tuồng Đào Tấn được gìn giữ. Ngay trước cổng làng Vinh Thạnh, đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn được xây dựng khang trang nằm cạnh lối vào chính Lý Môn. Đền thờ ông được xây dựng quay mặt về hướng Nam như chính ngôi nhà Hương Thảo Thất ngày xưa của cụ quay mặt chính Nam nhìn về hướng núi Huỳnh Mai mà cụ Đào chọn làm nơi yên nghỉ.
NGỌC NHUẬN