Ðồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do đại dịch
Sáng 12.8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nhằm hỗ trợ các DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Qua đó, kịp thời ghi nhận những vấn đề hạn chế, vướng mắc trong thực tế và đề xuất, kiến nghị để tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì.
Cần xem xét việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, theo ghi nhận, chia sẻ của nhiều DN, các sở, ngành liên quan, dẫn đến một số khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn nhất là việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, chia sẻ: DN có 3 nhà máy trực thuộc với 1.200 công nhân. Thời gian qua, DN đã thực hiện “3 tại chỗ” đối với 2 nhà máy trực thuộc với khoảng 600 công nhân. Tuy nhiên, DN phải chịu chi phí phát sinh nhiều khi lo cho công nhân về chỗ ở lại, vệ sinh... theo đúng quy định, rồi ăn ngày 4 bữa, tiền điện, nước, cùng các khoản khác. DN vẫn luôn rất lo lắng trước rủi ro dịch bệnh, nhất là khi công nhân chưa được tiêm vắc xin. Đây là lý do sản xuất “3 tại chỗ” tại DN không thực hiện được ở nhiều tỉnh, thành.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều DN lớn, hiệp hội, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh. Ảnh: HOÀI THU
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết, do thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 ở một số địa phương, DN phải giảm công nhân sản xuất chỉ còn khoảng 30 - 50% tổng số lao động thực tế, nên công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu giảm mạnh... Nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài, có thể sẽ có nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cũng khuyến cáo mô hình “3 tại chỗ” nếu không tổ chức tốt theo đúng quy định, hướng dẫn sẽ có nguy cơ trở thành ổ dịch...
Sau khi tổng hợp ý kiến phản ánh của nhiều DN hội viên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định ngày 30.7 đã có công văn gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc xem xét, cân nhắc việc bắt buộc áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ” trong ngành gỗ; đến ngày 4.8 tiếp tục có công văn đề nghị xem xét đề xuất phương án sản xuất “2 tại chỗ và 1 cung đường” là một trong các hình thức tổ chức sản xuất khả thi cho DN được lựa chọn.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: Thực hiện “2 tại chỗ và 1 cung đường” là người lao động được về nhà, có cam kết của DN với địa phương, người lao động với DN và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi bán kính 10 km quanh nhà máy (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường, cung cấp danh sách và cam kết thực hiện 5K, ghi lại lịch trình di chuyển theo tuyến cố định. Đối với hình thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” chỉ khuyến khích các DN đủ điều kiện và năng lực thực hiện, tránh phát sinh những bất cập, hạn chế nếu kéo dài quá 1 tháng.
Nguồn: BTV
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng báo cáo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long về thực hiện “3 tại chỗ” đối với DN trên địa bàn tỉnh theo đúng như quy định, yêu cầu đến thời điểm bây giờ chắc là khó, không thể làm được. Do đó, đề xuất các DN trong khu, cụm công nghiệp hiện nay chủ động xây dựng mô hình sản xuất “sống chung với dịch”, trong đó phải đảm bảo các yêu cầu về công nhân an toàn, nơi sản xuất an toàn, giao thông an toàn, khi về nơi ở đảm bảo an toàn phòng, chống dịch...
Nhiều khó khăn cần được hỗ trợ tháo gỡ
Theo báo cáo của Sở Công Thương, một trong những khó khăn, thách thức hiện nay là việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các DN cung cấp nằm trong vùng có dịch... Cơ chế chính sách hỗ trợ lưu thông xe chở hàng trong tỉnh còn nhiều bất cập; mỗi địa phương còn áp dụng chính sách khác nhau gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa thiết yếu trong tỉnh.
Đoàn kiểm tra của tỉnh đã đến làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ Phù Cát - Công ty CP Phú Tài (Cụm công nghiệp Cát Nhơn, huyện Phù Cát) vào đầu tháng 8.2021, đánh giá DN nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất. Ảnh: DN cung cấp
Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất - Xuất nhập khẩu Anh Nhật (TP Quy Nhơn) phân phối một số mặt hàng thiết yếu cho hơn 2.300 cửa hàng tạp hóa, chợ ở các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty, việc cung ứng hàng hóa cho các điểm tại các xã, phường trong toàn tỉnh, nhất là địa phương thực hiện giãn cách xã hội đòi hỏi có văn bản của UBND huyện, thị xã gây khó khăn cho công ty. Nhiều chuyến xe chở hàng buộc phải quay về vì không có sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, thị xã. Mỗi chuyến xe vận chuyển hàng hóa có lái xe, nhân viên đều phải tốn các chi phí test nhanh, khử khuẩn xe… nhưng không giao được hàng phải quay về kho gây tổn thất lớn cho Công ty.
Nhiều DN gặp trở ngại khi việc tìm kiếm nguyên liệu nhập khẩu, thu mua trong nước trở nên khó khăn và chậm tiến độ. Nhiều lao động trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa khó khăn khi di chuyển, phải nghỉ, ảnh hưởng đến kế hoạch lao động, chi phí nhân công. Chi phí phát sinh của DN lớn do giá vận chuyển cước tàu, thuê container bị tăng cao nhiều lần, đồng thời thiếu tàu, container làm cho xuất hàng, nhập hàng bị trễ nhiều ngày. Giá vận chuyển trong nước tăng do ảnh hưởng dịch. Giá các mặt hàng vật tư,vật liệu bao bì đều tăng cao, thời gian giao hàng chậm trễ. DN gặp khó khăn khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ; tìm kiếm, tiếp cận chính sách tiêm vắc xin của tỉnh tiêm ngừa cho người lao động của DN. Chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước... chưa nhiều.
Hội nghị đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ DN trong thời gian tới như: Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất ngân hàng các khoản vay mới cho DN. Tiếp tục xem xét, đề xuất các chính sách ân hạn, miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho DN cho tới khi dịch được kiểm soát hoàn toàn. Đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động đang làm việc tại các DN. Cần tạo điều kiện hỗ trợ về nghiệp vụ, kỹ thuật để các DN chủ động xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR theo quy trình giám sát sức khỏe nhân viên tại chỗ.
Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ DN trong việc lưu thông hàng hóa trong tỉnh được dễ dàng hơn; thống nhất các giải pháp giúp DN lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu kịp thời, tránh tình trạng mỗi địa phương một quy định... Chỉ khoanh vùng chặt, hẹp, không nên làm rộng; nới lỏng đi lại, đặc biệt là đối với xe chở hàng hóa của các DN phải trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.
Lãnh đạo Sở Y tế, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, Ngân hàng CSXH tỉnh, BHXH tỉnh, Công ty Điện lực Bình Định cũng đã có giải đáp, trao đổi về hỗ trợ cho DN, người lao động, khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Nguồn vắc xin có được của tỉnh trong thời gian tới sẽ ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng công nhân, trước mắt là công nhân ở trong các khu công nghiệp, các DN sản xuất, nhà máy lớn, có đông công nhân. Xung quanh các quy định phòng, chống dịch đã ban hành, thực hiện có một số bất cập, đề nghị UBND tỉnh qua ý kiến phản ánh của các DN rà soát lại, có thêm quy định cụ thể, phù hợp thực tế tạo điều kiện cho sản xuất; cần xây dựng bản đồ các “vùng xanh” để hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa, công nhân lưu thông thuận lợi, chứ không phải vùng nào cũng đóng... UBND tỉnh thành lập Tổ công tác hoạt động thường xuyên để triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khó khăn cho DN trong tình hình dịch; những gì chính sách Trung ương đã quy định rõ rồi thì làm ngay, những gì chưa có, cần có mà DN đề xuất thì tập hợp kiến nghị Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các DN không chỉ trông chờ vào nỗ lực của Nhà nước mà phải tự chủ động phòng, chống dịch theo phương án 4 an toàn: Công nhân an toàn, nhà máy an toàn, giao thông an toàn, nơi ở an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh làm Tổ trưởng, cùng các thành viên đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho DN để tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các DN trình UBND tỉnh báo cáo với cơ quan Trung ương để kịp thời hỗ trợ cho DN. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các DN phải tuân thủ đầy đủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ DN, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để yên tâm sản xuất.
HOÀI THU - HẢI YẾN