Từ những vụ tranh chấp trong gia đình:
Đáo tụng đình vì thiếu hiểu biết pháp luật
Trong những vụ án tranh chấp tài sản giữa những người thân trong gia đình, ngoài nguyên nhân vì lòng tham, còn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
Từ một vụ án người thân kiện nhau
Vợ chồng bà D. (thị xã An Nhơn) tạo lập được ngôi nhà. Họ có 9 người con, trong đó có 3 con trai, anh N. là con trai trưởng. Vợ chồng bà D. đã cho một người con trai phần đất phía Đông của ngôi nhà để sinh sống. Năm 1998, chồng của bà D. mất, không để lại di chúc. Năm 2004, anh N. đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cha mẹ mình. Năm 2005, bà D. thế chấp ngôi nhà này cho chị S. lấy 2,5 cây vàng đưa cho anh N. làm ăn.
Năm 2007, anh N. và người em trai có đơn xin xác nhận thừa kế phần tài sản của cha mình và làm hợp đồng cho - tặng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho hai người. Phần phía Đông nhà cho người em, phần phía Tây cho anh N.
Năm 2010, bà D. khi nghe tin anh N. đã bán ngôi nhà của vợ chồng mình (đã được chuyển quyền sở hữu cho anh N.) cho chị T. với giá 11 cây vàng, nên đã ngăn cản. Bà D. gặp chị T. nói rằng đây là nhà của bà, bà sẽ trả lại số tiền mà chị T. đã đặt cọc cho anh N., đồng thời báo cho chính quyền biết ngăn cản việc mua bán. Tuy nhiên, anh N. và chị T. đã xuống Quy Nhơn công chứng việc mua bán nhà.
Năm 2010, bà D. kiện con trai là anh N. đòi phải trả lại nhà cho mình. Những người con khác trong gia đình cũng đứng về phía mẹ. Theo lời khai của bà D., bà không hề hay biết việc con trai của mình đã chuyển quyền sử dụng đất của vợ chồng bà sang tên anh N. (phần phía Tây). Đối với hợp đồng tặng cho tài sản là nhà và đất ngày 24.5.2007 có chữ ký của mình, bà D. xác nhận tuy chữ ký là của mình nhưng bà không biết ký mấy lần và nội dung ra sao, chỉ nghe anh N. nói ký vào hợp đồng để anh làm ăn nên bà mới ký.
Cơ quan chức năng cũng xác nhận đơn xin xác nhận thừa kế và hợp đồng tặng cho nhà đất lập ngày 24.5.2007 tuy có chứng thực nhưng lại vi phạm chứng thực khi không có mặt người thừa kế cũng như người cho - tặng tài sản, đồng thời chữ ký của những người liên quan (những anh chị em còn lại của anh N.) là giả mạo.
Trong khi tòa sơ thẩm đang thụ lý việc tranh chấp này thì anh N. bị khởi tố hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau đó vụ án hình sự bị đình chỉ, chuyển sang tòa án tiếp tục xử tranh chấp dân sự.
Cuối năm 2013, vụ án đã được cấp sơ thẩm đưa ra xét xử. Không bằng lòng với bản án đã tuyên, các bên tiếp tục kháng cáo.
Đến một thực trạng chung
Trong tổng số gần 40 vụ án dân sự được đưa ra xét xử trong tháng 4 này thì không dưới 10 vụ có liên quan đến người thân trong gia đình tranh chấp nhau. Con kiện mẹ, mẹ kiện con, anh em tranh chấp với nhau, chủ yếu là tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp di sản thừa kế và đòi lại tài sản. Trong số này có những vụ ban đầu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật rồi dẫn đến tranh chấp rắc rối về sau. Thường gặp nhất là trường hợp đối với tài sản vợ chồng cùng tạo lập, khi vợ hoặc chồng mất mà không để lại di chúc, người còn lại đã chia thừa kế cho con cháu mà không biết rằng mình chỉ có quyền định đoạt một nửa khối tài sản chung đó. Như trường hợp bà D. kể trên, bà ký vào hợp đồng tặng cho nhưng không biết là mình ký cái gì (!).
Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh - Phó Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra xét xử án dân sự, Viện KSND tỉnh, cho biết, đối với trường hợp vợ hoặc chồng mất để lại tài sản và không có di chúc thì tài sản được chia theo pháp luật (có sự đồng ý của các đồng thừa kế và còn trong thời hiệu khởi kiện). Người còn lại muốn tặng cho tài sản thì phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế, nếu họ không đồng ý thì hợp đồng tặng cho tài sản vô hiệu. Cũng theo bà Hạnh, trong một số trường hợp, các cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý công chứng, chứng thực vụ việc, cần phải tư vấn cặn kẽ cho khách hàng về các thủ tục cần thiết cũng như quy định pháp luật khi tiến hành các thủ tục cho, tặng tài sản hoặc thừa kế tài sản; không nên vì lợi nhuận mà bỏ qua.
Đối với người trong cuộc, để tránh rắc rối về sau cũng nên cẩn thận, khi vay mượn, cho tặng ai cái gì cũng nên tìm hiểu kỹ, có chứng cứ ghi lại. “Nhiều người đơn thuần nghĩ người trong gia đình thì phải tin tưởng nhau. Song thực tế làm án bao nhiêu năm rồi tôi biết, có những điều tưởng như không thể xảy ra vẫn cứ xảy ra như thường. Mình cẩn trọng âu cũng là cách để giữ cho mối quan hệ trong gia đình luôn tốt đẹp, tránh sự kiện tụng về sau. Các cơ quan pháp luật cũng sẽ đỡ vất vả hơn…”, bà Hạnh khuyên.
ANH THƯ
Anh em chung một nhà mà sao vẫn cứ xa, ôi đau buồn "ruột ơi là ruột, cũng vì cái hơn thua, danh vọng và tiền tài". Thế mới biết vàng thật hay đó cũng chỉ là vàng giả mà thôi?