Chuyên gia Anh đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về an ninh biển
Tiến sỹ Rogers đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển ở khu vực Biển Đông.
Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trực tuyến tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9.8 tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Tăng cường an ninh biển- Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh ở khu vực Biển Đông.
Nhận định này được Tiến sỹ James Rogers, Đồng sáng lập và là Giám đốc Nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại London, đưa ra trong cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh.
Tiến sỹ Rogers cho rằng 3 đề xuất nhằm ứng phó với các thách thức an ninh biển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu của mình đặc biệt có ý nghĩa không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn trên toàn cầu.
Theo Tiến sỹ Rogers, đề xuất nâng cao nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển của Thủ tướng Việt Nam là rất quan trọng và cần nhận được sự ủng hộ bởi biển đóng vai trò then chốt trong hệ thống giao thương quốc tế.
Do vậy, việc đảm bảo tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận biển và quyền tự do hàng hải đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tiến sỹ Rogers chỉ ra rằng mặc dù hầu hết các nước đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trong đó quy định về ứng xử của các nước trên biển, song một số nước đã phớt lờ các quy định mà chính họ đã cam kết trước đó.
Ông cho rằng đây không chỉ là vấn đề của các nước ở khu vực Biển Đông mà còn trên toàn thế giới.
Ông cho rằng đề xuất này cần được ủng hộ không chỉ tại Liên hợp quốc mà còn tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo ông, việc thiết lập một cơ chế điều phối nhằm khuyến khích các nước đề cao các quyền hàng hải quan trọng vốn được thiết lập tại UNCLOS 1982 là rất cần thiết.
Bình luận về đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Tiến sỹ Rogers cho rằng Việt Nam - một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực và là đối tác gần gũi của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh - đưa ra sáng kiến này đặc biệt có ý nghĩa.
Ông đồng tình rằng mọi chính sách hoặc đề xuất liên quan tới an ninh ở khu vực Biển Đông và quyền hàng hải cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, và khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam, vốn có vị trí địa lý quan trọng, đối với an ninh ở khu vực Biển Đông.
Về triển vọng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Anh, Tiến sỹ Rogers cho rằng hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong những năm tới, trong bối cảnh Anh đang tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, ông Rogers khẳng định việc Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay CSG21 tại châu Á-Thái Bình Dương phản ánh chiến lược ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố trong Báo cáo đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và ngoại giao của Anh hồi tháng 3 vừa qua.
Việc triển khai nhóm tàu tác chiến lớn nhất và mạnh nhất của Anh tại khu vực cho thấy Anh coi trọng tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông ở Đông Nam Á.
Ngoài nhóm tàu tác chiến CSC21, việc Anh sẽ triển khai hai tàu tuần tra thường trực tại châu Á vào cuối năm nay và sẽ tương tác với các đối tác trong khu vực, trong đó Việt Nam-một đối tác quan trọng của Anh, sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai nước, vốn có những mối quan tâm tương đồng về an ninh hàng hải tại khu vực.
Theo Minh Hợp-Đình Thư (TTXVN/Vietnam+)