Đường ngang
* Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu
Bàn tay người đàn bà ấy khá nõn nuột và mịn màng tuy hơi gầy gò nhưng không hề có vết nứt nẻ hay chai sạn nào để chứng tỏ là mình lam lũ, khổ cực. Chị không phải là kẻ ăn xin chuyên nghiệp.
Dưới cái nắng oi nồng của trời trưa, chuyến xe liên tỉnh hình như không còn sức nhẫn nại chờ khách dẫu trên xe chỉ lèo tèo dăm bảy người, gã lơ xe phát cáu khi thấy người đàn bà cứ chàng ràng ở bậc lên xuống :
- Tránh giùm ra bà nội để người ta chất hàng, xin xỏ gì chỗ này.
Đứa bé trên tay chị khóc thét lên khi chị vội vã bước xuống xe và vô ý để đứa bé va vào thành xe đau điếng nếu không nhìn thấy thì có lẽ người ta cho là đứa bé đang đói.
Giờ thì hành khách mới chăm chú quan sát chị. Tóc rối đầu bù, áo quần nhàu nhĩ nhưng không đến nỗi rách rưới vá đụp vá chằng như cách ăn mày chuyên nghiệp vẫn làm. Người ta rà khắp người chị bằng ánh mắt dò xét xem có nữ trang hay nhẫn vàng, nhẫn bạc gì không trước khi quyết định mở hầu bao ra giúp đỡ chị.
Trẻ quá, tuổi chừng ba mươi mà dám ẵm con đi xin tiền thiên hạ thì quả là đã cùng đường mạt lộ thật rồi. Chất - người đàn ông hơi đứng tuổi, ngồi phía ngoài cùng nghĩ vậy.
- Cô gì ơi, lại đây…
Ông móc ví lấy tờ tiền một trăm ngàn đưa cho người đàn bà.
- Em…làm gì có tiền thối lại cho ông.
- Thế sáng giờ ?
- Không ai cho đồng nào cả ạ.
Chất giả bộ hỏi thế, chứ ông có ý biếu luôn cho chị. Ông bước xuống xe, cầm tay chị dẫn vào một quán nước gần đó.
- Ngồi đây đi, chờ tôi đổi tiền.
Người đàn bà khấp khởi mừng thầm. Chất gọi cho chị ly sữa và vài cái bánh pa-tê-sô, còn ông là ly cà phê đen cho tỉnh người.
- Mời cô và cháu, thật lòng đi nhé.
Người đàn bà hơi ngại ngần, Chất cầm hai chiếc bánh chia cho hai mẹ con.
- Quê cô ở đâu và hoàn cảnh nào khiến cô ra nông nỗi này.
- Nói ra thì dài dòng lắm anh à, nhưng nếu về quê thì em đã về rồi bởi quê em cũng không xa đây là mấy nhưng em phải làm thế để thiên hạ hiểu hơn về gia đình chồng của em dù chúng em đã ly dị.
- Có cần phải làm thế không khi mà con cô hãy còn bé xíu. Nó là núm ruột của cô mà.
Người đàn bà không nói gì. Hình như lòng chị đang xao động.
- Em không thể đi lừa đảo hay ăn cắp được.
- Nhưng ăn xin cũng không thích hợp bởi cô còn trẻ. Cực chẳng đã người ta mới mở lòng nếu không có đứa bé mà cô ẵm trên tay. Đó là một cái tội.
- Thế anh bảo em phải làm sao ?
- Đã không còn tình nghĩa vợ chồng thì cũng đừng làm khó chi nhau, cho dù là sự dằn vặt. Cô đưa con về quê sống cùng ông bà ngoại cũng là một cách hay.
- Em xấu hổ vì trước kia em đã từ chối nhiều lời ngỏ của trai làng.
- Đó không phải là lý do chính đáng. Không có cô thì chợ vẫn đông đó thôi, họ cũng vợ cũng con cả đấy. Biết đâu còn có người thương mình, đợi mình, đàn ông bao dung hơn cô nghĩ nhiều.
- Mẹ con em đầu đường xó chợ mấy năm nay rồi.
Chất không nói gì, đưa mắt lướt nhanh qua vài dãy phố. Hàng phượng vĩ lao xao bên vệ đường khoe những chùm quả khô đét đong đưa. Mùa hạ đã đi xa nhưng bóng dáng của nó như vẫn còn đó, thơm tho và nồng nàn dẫu rằng những dấu môi tình đầu đã phai. Một ý nghĩ thoáng hiện trong ông :
- Hay là cô đến quê tôi chơi vài hôm cho khuây khỏa.
Người đàn bà như thật như đùa :
- Em có xứng đáng thế không ?
- Tôi thật lòng mời mà.
Rồi như để cho người đàn bà đỡ phải phân vân, Chất bộc bạch gia cảnh của mình.
- Tôi cũng như cô, tôi ở với mẹ, mẹ tôi đã già…
- Không có ai ở chung với bác nữa sao ?
- Không.
- Nhưng thôi, em cảm ơn anh, em không dám.
- Ừ tùy.
Chất viết nguệch ngoạc lên ruột bao thuốc lá địa chỉ và số điện thoại của mình rồi trao cho người đàn bà cùng hai trăm ngàn.
- Cô cầm lấy, khi nào thuận tiện thì cô đến nhé, tôi tên Chất.
- Em là Hạnh. Hạnh dơ, người ta gọi thế đấy.
Chất cười, Hạnh cũng cười nhưng chị chỉ nhận vỏ bao thuốc.
- Sao thế ?
- Tiền anh cho mà em chưa nhận thì coi như anh nợ, khi nào mẹ con em đến thì anh trả cũng được.
- Quái quỷ gì thế.
- Trả bằng một bữa cơm đạm bạc là em hạnh phúc lắm rồi anh à, còn vui thì ở chơi đôi hôm, buồn thì về.
Chất giật mình, người đàn bà này rất cá tính và thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Hẳn là đau đớn lắm nên cô nàng mới chấp nhận rời xa tổ ấm thân yêu của mình. Khác với vợ ông ngày trước chỉ vì không chịu nổi cơ cực mà tan đàn xẻ nghé. Giờ thì ông có của ăn của để lại phải côi cút một mình, nghĩ cũng buồn. Ông không có ý niệm gì về yêu thương hay thân xác của người đàn bà ăn xin nhưng còn khá trẻ và khá đẹp này. Có chăng là sự thương hại, là nghĩ về người, nghĩ về ta.
- Lên xe đi bà con ơi. - Gã lơ xe nhìn dáo dác.
- Tôi đi nghen cô, bác đi cháu nhé.
Chất nắm bàn tay bé xíu của đứa trẻ, ông nhét tờ tiền vào ngực áo nó rồi nói nho nhỏ :
- Để mẹ mua quà cho cháu nhé.
Người đàn bà không kịp phản ứng, mắt chơm chớp nhìn vội ra xa. Hình như đây là lần thứ hai chị cảm nhận được nỗi buồn của sự chia ly. Bất chợt quá và cũng ngắn ngủi quá, họ gặp nhau trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng.
Giờ thì chị không còn cương quyết như trước nữa là làm bẽ mặt chồng cũ bằng cách bồng con đi xin và chị cũng đã nhận ra là chị có lỗi với con mình bởi nó còn thơ dại và chẳng có tội tình gì. Chị nghĩ nhục nhã lắm chứ khi phải bồng con lê la đây đó xin xỏ người này người kia. Trơ má hồng nhan ra với đời chỉ vì oán hận nhân tình mà chắc gì người ấy đã hối lỗi ăn năn.
Chị ẵm con trở về gác trọ nằm dài ra với những suy tư miên man. Không thể như thế này mãi được. Chị phải làm việc, phải lăn lộn với thương trường, bán báo, bán vé số hay làm nghề gì đó mà lương thiện cũng được miễn là không phải chìa tay ra nhận những đồng tiền bố thí của kẻ khác.
Quyết chí vậy, chị bật dậy sắp xếp lại tư trang, chị muốn đi đâu đó một chuyến rồi về cho con vào nhà trẻ và tìm kiếm việc làm. Nhưng mà đi đâu bây giờ. Đến đó ư. Chớ vội. Bản tính của người đàn bà Á Đông không cho phép chị làm điều đó. Chẳng hay ho gì chuyện cọc tìm trâu đâu dẫu rằng quan niệm ấy giờ đã lỗi thời.
Qua khung cửa sổ bé tí của căn gác trọ, ngày chỉ còn mỏng mảnh như tiếng thở dài. Chị uể oải đến góc phòng ngồi xuống với mấy cái xoong chảo nồi niêu và cái bếp gas mi-ni làm bữa cơm chiều để mặc cho thời gian rơi chầm chậm xuống vũng tối mênh mông.
Còn Chất về đến nhà là quên khuấy đi chuyện đã gặp Hạnh, ông lao vào tưới tắm những chậu lan rừng đã mươi hôm khát khô khát đắng. Ông cưng chúng như con. Chúng là niềm vui của ông những khi ông rỗi rảnh. Mãi đến khi ngồi vào bàn ăn tối ông mới sực nhớ chuyện ban sáng và ông say sưa kể lại cho mẹ ông nghe.
- Tội nghiệp, chưa thấy mặt nhưng mẹ tin đó là người thật thà.
- Con cũng nghĩ vậy nên con có mời mẹ con cô ấy đến nhà ta.
- Thế nó tính sao ?
- Không mẹ ạ, cô ấy từ chối.
- Thế mà mẹ tưởng…
- Tưởng gì hả mẹ ?
- Có cháu hủ hỉ cho vui ấy mà…
Chất thương mẹ mình mong có cháu ghê lắm nhưng làm sao được, ông biết ông hơn ai hết bởi vì lẽ đó mà vợ ông dứt áo ra đi. Nghĩ tới công sinh cũng bằng công dưỡng, ở hiền gặp lành, biết đâu cũng là duyên nợ bởi ông đã có cái nhìn rất khác về người đàn bà ăn xin mà ông vừa gặp ban sáng. Còn đứa bé dễ thương làm sao, nó cười thật tươi khi ông đưa cho nó cái bánh và cũng biết đâu nó là đứa con hiếu thảo sau này.
- Mai con đi chuyến xe đầu tiên xuống đón cô ấy mẹ nhé.
- Ừ, nếu con đã suy nghĩ chín chắn.
L.T.M.C