Đồng loạt vào cuộc!
Từ ngày 1.4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã triển khai kế hoạch đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn cả nước. Đây là động thái cần thiết nhằm lập lại trật tự vận chuyển hàng hóa bằng ô tô trên các tuyến đường bộ trước tình trạng xe chở hàng hóa quá tải trọng ngày càng nghiêm trọng. Theo các cơ quan quản lý, tình trạng xe quá tải không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn tàn phá hạ tầng giao thông đường bộ, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản quốc gia.
Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, gần như 100% các tuyến đường ở nước ta, dù là quốc lộ hay đường tỉnh, đường huyện và cả đường liên thôn liên xã, đã và đang phải oằn mình gánh chịu tải trọng của những phương tiện vận tải quá khổ, quá tải. Không chỉ vi phạm các quy định thông thường, mà rất nhiều loại phương tiện vận tải bị cơi nới, chuyên chở vượt tải trọng cho phép gấp 2-3 lần. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm đường sá của nước ta xuống cấp nhanh, tiêu tốn hàng ngàn, hàng vạn tỉ đồng mỗi năm cho việc duy tu, bảo dưỡng. Đó là chưa kể các loại xe quá khổ, quá tải còn là các “hung thần xa lộ”, gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến cho dư luận xã hội bất an.
Chuyện xe quá tải là chuyện công khai, vẫn ngày ngày “xuôi Nam ngược Bắc” trên mọi tuyến đường, nên hầu như các cấp chính quyền, cơ quan quản lý đều, thậm chí biết rất rõ. Nghịch lý là biết thì cứ biết, còn vấn nạn nhức nhối này vẫn cứ tồn tại và ngày càng trầm trọng hơn. Mặc dù hàng ngày, hàng giờ trên các tuyến đường đều có các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát nhưng những chuyến xe vi phạm vẫn cứ bon bon trên đường từ bắc vào nam và ngược lại. Người ta chỉ có thể lý giải thực tế đáng lo ngại bằng sự lơ là, tắc trách, thậm chí có không ít sự tiêu cực của các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm trong vấn đề này. Trong cuộc họp mới đây có đồng chí lãnh đạo đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải dẹp cho được nạn “xe vua” đã và đang hoành hành ở nhiều nơi trong cả nước.
Hiện đang trong đợt cao điểm đồng loạt ra quân, nhưng sau 10 ngày vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai, hoặc chỉ thực hiện kiểm tra tải trọng xe trong giờ hành chính, chỉ phạt hoặc bắt buộc phải giảm tải các xe quá tải có biển số ngoại tỉnh…, cho thấy việc thực hiện là chưa nghiêm. Tình trạng “neo xe” chờ qua trạm tại các trạm cân kiểm tra tải trọng đã diễn ra ở nhiều nơi cho thấy mức độ vi phạm vẫn rất phổ biến. Do đó, nếu không đồng loạt thực hiện quyết liệt việc giảm tải xe thì sẽ không cải thiện được tình hình.
Được biết, theo chỉ đạo của chính phủ thì thời hạn chậm nhất sẽ triển khai cân xe đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là ngày 15.4. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã đề nghị các địa phương cần triển khai một số giải pháp cấp bách, như: trạm cân hoạt động 24/24 giờ, tăng cường lực lượng và kinh phí để bảo đảm cho hoạt động cân xe, thực hiện xử lý nghiêm minh theo quy định đối với mọi trường hợp vi phạm…
Như vậy là quyết tâm chính trị đã có, các chủ trương, biện pháp và nguồn lực thực hiện cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Vấn đề còn lại là cần có sự “vào cuộc” thật đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương để việc ngăn chặn xe quá tải có kết quả. đây là bước tạo tiền đề nhằm tiến tới lập lại trật tự vận tải một cách căn cơ, thực hiện được mục tiêu chống xuống cấp hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và góp phần phát triển kinh tế xã hội lành mạnh, hiệu quả.
HẢI ĐĂNG