Vướng lao lý vì… hám lợi
Mới đây, 2 bị cáo Đoàn Minh Nhật (SN 2002); Võ Tuấn Thắng (SN 2004), cùng phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, phạm tội trộm cắp tài sản đã được TAND TP Quy Nhơn xét xử. Ngoài hành vi đáng lên án của 2 bị cáo, Hội đồng xét xử đã dành phần lớn thời gian để truy vấn, phân tích hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của bị cáo Đặng Thị Kỳ (SN 1959, huyện Tuy Phước). Với hành vi này, bị cáo Kỳ đã bị tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Kỳ, Nhật và Thắng. Ảnh: KIỀU ANH
Khác với cách thức của bị cáo Kỳ, song cũng là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội nên bị can Lê Đức Dân (SN 1995, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) cũng vừa bị các cơ quan tiến hành tố tụng TP Quy Nhơn khởi tố. Tại cơ quan chức năng, Dân cho biết vì muốn mua xe máy giá rẻ nên đã lên mạng xã hội facebook để đăng tin cần mua xe máy giá dưới 5 triệu đồng. Sau khi đọc được thông tin này, bị can Võ Hoàng Duy (SN 1995, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đã đi trộm xe máy rồi liên hệ qua facebook của Dân để trao đổi bán xe. Trong quá trình giao dịch mua xe, Dân biết rõ xe do Duy trộm cắp nhưng vẫn mua và để qua mắt cơ quan chức năng, Dân sử dụng biển số giả.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp hoàn toàn không biết mình đang tiếp tay cho kẻ xấu như trường hợp của ông Nguyễn Văn T. (TP Quy Nhơn) được Hội đồng xét xử TAND tỉnh mời lên dự tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong một vụ cướp giật tài sản. Ông T. đã tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tuy nhiên vì “không biết” đó là tài sản phạm tội nên cơ quan chức năng chỉ tịch thu tang vật.
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh, quá trình điều tra các vụ án xâm phạm sở hữu (trộm cắp, cướp giật tài sản…), sau khi bắt giữ thủ phạm, ngay lập tức công tác truy xét, thu hồi tài sản là tang vật của vụ án cũng được tiến hành. Thực tế cho thấy, người tiếp tay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể không biết thật, nhưng cũng không ít trường hợp biết rõ mà vẫn bất chấp. Vì vậy, để xác định một người có “biết rõ” tài sản do phạm pháp mà có hay không, phải căn cứ vào các tình tiết khách quan. Đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có, cũng như căn cứ vào việc giao dịch giữa người tiêu thụ và người có tài sản.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, ma túy, kinh tế, tham nhũng và chức vụ, Viện KSND tỉnh, phân tích: Trường hợp người tiêu thụ tài sản không hứa hẹn trước mà chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản khi biết do người khác phạm tội mà có sẽ chịu trách nhiệm hình sự với tội danh chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Riêng trường hợp người tiêu thụ tài sản có thỏa thuận trước với người phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Do đó, để tránh tiền mất tật mang, mỗi người cần cảnh giác khi mua bán tài sản giá rẻ, cũng như phải kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nếu có nghi ngờ thì báo ngay cho cơ quan chức năng, chứ không nên ham rẻ để rồi phải trả giá đắt.
KIỀU ANH