Lũy cổ Phương Mai: một công trình kiến trúc độc đáo
Lợi dụng địa hình có nhiều dãy núi cao bao bọc cửa biển Thị Nại (TP Quy Nhơn), người xưa đã xây dựng thành lũy, pháo đài kiên cố - đây là hệ thống công trình phòng thủ độc đáo bậc nhất ở nước ta. Sau hàng trăm năm, những công trình này hiện chỉ còn lại dấu vết của những đoạn lũy đắp - xếp bằng đá rải rác trên các sườn đồi trên bán đảo Phương Mai, được các nhà nghiên cứu định danh là Lũy cổ Phương Mai.
Về niên đại xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng Lũy cổ Phương Mai được tạo dựng từ thời vương quốc Champa cổ. Do địa thế trọng yếu của cửa biển Thị Nại, vùng bản lề để tiến vào đồng bằng rộng lớn và kinh đô Vijaya, nên các vua Champa đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các công trình phòng thủ ở khu vực này. Trong tác phẩm Hùng khí Tây Sơn của Lam Giang viết: “Núi cao chu vi 10 dặm, trong núi có đầm Mai Hương, phía Nam có lũy xưa, phía Bắc có lũy Tây Sơn lập ở Gành Hổ để bảo vệ cửa Thị Nại”. Từ đoạn thông tin này có thể thấy rằng các công trình phòng thủ có từ xa xưa, đến thời Tây Sơn còn được củng cố vững vàng, bổ sung thêm.
Cổng còn lại của một đoạn Lũy cổ Phương Mai ở Hải Minh.
Đây là công trình quân sự giữ vị trí chiến lược, nên ở tất cả các cuộc giao tranh diễn ra ở khu vực này, bên nào cũng cố hết sức chiếm giữ vị trí này, bởi từ đây có thể mở toang cánh cửa tiến sâu vào đồng bằng rộng lớn bên trong. Cuối thế kỷ XVIII, quân Tây Sơn đã thiết lập đồn, đặt súng thần công ở Bãi Nhạn và núi Tam Hòa, một mặt kiểm soát các cuộc tấn công từ phía biển, một mặt có thể khống chế khu vực thành Bình Định. Sang thế kỷ XIX, nhận thức rõ vị trí chiến lược của địa thế này, nhà Nguyễn đã củng cố lại hệ thống phòng thủ ở đây, xây pháo đài, đắp thêm lũy, dựng kho tàng, đặc biệt đã cho xây dựng pháo đài Hổ Ky - một pháo đài kiên cố nhằm phục vụ cho việc phòng bị và chốt giữ vị trí cửa biển Thị Nại. Trong Nước non Bình Định, Quách Tấn cho rằng lũy cổ phát triển rất mạnh dưới thời nhà Nguyễn.
Điểm nổi bật của hệ thống công trình phòng thủ này là được xây dựng trên những triền núi cao, cao hơn rất nhiều so với mực nước biển. Lũy được xây dựng không theo hướng cố định nào mà tùy theo thế núi có thể lợi dụng để dễ bố phòng quân sự.
Một đoạn của Lũy cổ Phương Mai còn lại chạy men theo sườn núi.
Điểm bắt đầu của lũy thuộc mỏm cuối cùng của đảo Phương Mai (từ chân tượng đài Trần Hưng Đạo ngày nay) chạy xuống núi đá Hải Giang, theo hướng Đông - Tây. Lũy được xây ở độ cao trung bình khoảng 150 m so với mực nước biển và nhờ cách chọn vị trí đặt chốt khéo léo, từ các chốt kiểm soát trên thân lũy, lực lượng đồn trú dễ dàng quan sát rõ ràng từ khơi xa đến vùng biển ngay bên dưới. Hơn nữa trên lũy còn có nhiều pháo đài, có bố trí súng thần công nên mỗi khi đối phương tấn công từ phía biển vào thì từ những lũy này có thể nã đạn xuống tiêu diệt đối phương, ngăn không cho đối phương tiến sâu vào phía trong.
Khảo sát thực trạng của những đoạn lũy còn lại, có thể tin rằng Lũy cổ Phương Mai được người xưa xây dựng rất khoa học. Lũy không xây dựng theo đường thẳng và vắt qua đỉnh núi, mà chạy vòng theo triền núi. Lũy được xây dựng tựa vững vào sườn núi, lấy sườn núi che chở cho lũy, đồng thời khắc phục được hạn chế của độ dốc cao, mặt bằng hạn chế để tránh bị sạt lở và xói mòn theo thời gian. Vật liệu dùng để xây đắp lũy là đá khai thác tại chỗ. Đá sử dụng để xây đắp lũy thường là những khối đá nhỏ có màu đen, cứng với đầy đủ hình dạng, kích cỡ khác nhau.
Về cấu trúc và kỹ thuật xây dựng thì những đoạn lũy còn lại được xây dựng theo cấu trúc hình thang, phía chân lũy mở rộng nhằm đảm bảo sự vững chắc cho cả bờ lũy, thân lũy thu nhỏ dần đến mặt lũy. Toàn bộ thân lũy được xếp thành một khối đặc, đá được xếp lớp này liền với lớp khác từ chân cho đến đỉnh lũy tạo thành một khối vững chắc. Chiều cao trung bình của lũy khoảng 1,5 m, chiều rộng ở đáy lũy khoảng 1,9 m và chiều rộng của đỉnh lũy khoảng 1,2 m. Những số đo này không tuyệt đối giống nhau mà tùy vào địa hình, vị trí có thể xê dịch.
Chúng tôi tin rằng vẫn còn có nhiều thông tin thú vị liên quan đến kiến trúc độc đáo này chưa phát lộ hết, hoặc chưa được khai thác đúng tầm của nó.
NGUYỄN VIẾT TUẤN