KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ VÕ VĂN TẦN (8.1891 - 8.2021):
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Ðồng chí Võ Văn Tần đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và của dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại cho Ðảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời vì dân, vì nước.
Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8.1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở làng Đức Hòa (nằm ven sông Vàm Cỏ Đông), huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) - vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Từ thuở nhỏ, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược, Võ Văn Tần đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Do vậy, từ rất sớm người thanh niên yêu nước Võ Văn Tần đã hun đúc ý chí tìm đường cứu nước, cứu dân.
Năm 1923, do tham gia đấu tranh chống thực dân áp bức bất công, Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt giam và khép tội “cầm đầu các cuộc chống đối”, nhưng không có chứng cớ để khép án. Sau khi được trả tự do, Võ Văn Tần tham gia nhiều cuộc bàn luận về lịch sử, về chính trị thời cuộc, về phong trào Cần Vương...
Năm 1926, Võ Văn Tần gia nhập và là hội viên cốt cán của hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng đảng). Với lòng nhiệt tình và niềm tin của tuổi trẻ, Võ Văn Tần đã hòa mình vào phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh giành tự do của dân tộc.
Cuối năm 1926, Võ Văn Tần quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ, đánh dấu bước chuyển biến tất yếu từ lập trường yêu nước sang lập trường giai cấp vô sản. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, tìm chọn những người hăng hái, tích cực trong nông dân lao động, nhất là thanh niên, để giáo dục lòng yêu nước và ý thức giai cấp; gây dựng, thành lập các tổ chức chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hữu Thạnh và kết nạp được nhiều hội viên - những người sau này trở thành những đảng viên cộng sản kiên trung của phong trào cách mạng vùng Nam bộ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Võ Văn Tần dẫn đầu cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa ngày 4.6.1930. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng; là đỉnh cao của phong trào cách mạng ở Chợ Lớn, Tân An. Cuộc biểu tình đã giương cao cờ đỏ búa liềm và các biểu ngữ với nội dung: Chống thuế nặng, chống đánh đập vô cớ, chống sách nhiễu dân…
Tháng 6.1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp quyết liệt các cơ sở đảng, đồng chí phải nhiều lần “thay hình đổi dạng” để hoạt động, liên lạc, chỉ đạo xây dựng các cơ sở đảng, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng, tìm các đồng chí để tái lập Xứ ủy. Bằng ý chí, bản lĩnh kiên cường, trung thành với lý tưởng, đồng chí Võ Văn Tần đã kiên trì hoạt động cách mạng, từng bước gây dựng lại tổ chức cơ sở của đảng, duy trì sự lãnh đạo liên tục của Đảng ở Gia Định - Chợ Lớn. Giữa năm 1933, đồng chí Võ Văn Tần đích thân liên lạc xuống miền Tây, chỉ đạo thành lập Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho; đồng thời, với tư cách là cán bộ Xứ ủy, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo Lao động để tuyên truyền, giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động.
Tháng 11.1935, đồng chí Võ Văn Tần được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 3.1937, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và sau đó được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3.1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngày 14.7.1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn). Trong 16 tháng bị giam cầm, kẻ thù đã mua chuộc, dụ dỗ và dùng nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng không thể lay chuyển được ý chí bất khuất, kiên trung và khí tiết cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần. Vượt qua chế độ dã man của nhà tù thực dân, đồng chí Võ Văn Tần vẫn tiếp tục hoạt động, tuyên truyền và nhắc nhở các đồng chí của mình giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ngày 28.8.1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Võ Văn Tần cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hóc Môn. Trước lúc hy sinh, đồng chí Võ Văn Tần dũng cảm giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, kêu gọi đồng chí, đồng bào tiếp tục đấu tranh để giành độc lập tự do.
QUANG LỢI