Nỗi lo vay - trả
Báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Trong tháng 5.2021 đã giảm 34.000 tỷ đồng tiền thuế so với bình quân 4 tháng đầu năm; tháng 6 giảm 40.000 tỷ đồng; tháng 7 giảm 38.000 tỷ đồng. Số hộ kinh doanh và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Đây là một thực tế hết sức khó khăn trong giai đoạn sắp tới”.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP
Khi nguồn thu giảm, tình hình vay - trả nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia được dư luận đặc biệt quan tâm. Bày tỏ lo lắng về vấn đề này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) lưu ý, hiện nay Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, các điều kiện vay vốn nước ngoài không còn nhiều ưu đãi: chi phí khá cao, kỳ hạn trả nợ gốc bị rút ngắn và do đó áp lực trả nợ tăng cao, có nguy cơ vượt ngưỡng 25% vào năm 2021.
Theo quyết toán ngân sách năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, dư nợ công tính đến 31.12.2019 là 3.320.608 tỷ đồng, tăng so với năm 2018 là 88.197 tỷ đồng. Các tiêu chí thành phần như nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương… đều nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý không phải là vay ít hay nhiều, mà là khả năng trả nợ.
Báo cáo kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi tới Quốc hội cho biết, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh từ 15,8% năm 2016 lên 18,1% năm 2019. Điều này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; bên cạnh đó còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia; áp lực cân đối thanh khoản.
Cũng rất đáng cảnh báo là các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ có nợ quá hạn tồn đọng từ nhiều năm trước. Đến 31.12.2019, còn 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn, với dư nợ là 5.122 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 3.551 tỷ đồng. Đến 15.12.2020, có 8 dự án đã xử lý xong nợ quá hạn 232 tỷ đồng; 4 dự án có nợ quá hạn 590 tỷ đồng đã trình cấp có thẩm quyền để xử lý; 22 dự án có nợ quá hạn 383 tỷ đồng đang xử lý, có khả năng trả nợ. Đáng lo ngại, có 20 dự án có nợ quá hạn 2.346 tỷ đồng đang xử lý, khó có khả năng trả, thậm chí nhiều dự án không có khả năng trả nợ, một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản…
Nhu cầu chi ngân sách Nhà nước - đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là rất lớn và bức thiết. Vấn đề là phải tập trung khắc phục tình trạng giải ngân chậm (trong khi vẫn phải chịu chi phí vay), hiệu quả sử dụng vốn thấp.
Về những giải pháp cho thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Quốc hội đã giao thêm thẩm quyền cho Chính phủ trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến ngân sách. Trong đó có cả việc nếu cần thiết thì cơ cấu lại các khoản thu chi, ngân sách; tăng cường tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực và cơ cấu lại nguồn nợ. Với điều kiện ngân sách như vậy thì chi đầu tư phát triển sẽ chỉ tập trung cho những công trình trọng điểm, những công trình có hiệu quả lớn và những công trình có tính chất lan tỏa và đột phá.
Theo ANH THƯ (SGGP)