Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
Những bất hòa, rạn nứt trong hôn nhân dần được hóa giải, những xung đột, bạo lực trong từng gia đình dần được đẩy lùi... Đây là kết quả sau nhiều năm xây dựng, thực hiện các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) với mô hình CLB ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới, thành lập vào năm 2013. Từ khi mô hình ra đời, Đảng bộ và chính quyền xã đã quan tâm chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt công tác bình đẳng giới, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong nhân dân, góp phần hình thành gia đình văn hóa, đảm bảo ANTT ở địa phương.
Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đảm bảo quyền cơ bản và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa
Đến nay 10/10 thôn của xã Phước Sơn đã thành lập CLB ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực. 10 tổ phòng, chống bạo lực ở các thôn cũng được ra mắt với nhiệm vụ tuyên truyền các luật: Bình đẳng giới, Hôn nhân và gia đình, Phòng, chống BLGĐ, Pháp lệnh về dân số…; đồng thời, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ bạo lực giới để có biện pháp ngăn chặn; thăm hỏi, tặng quà và động viên các học sinh giỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn... Ông Nguyễn Ngọc Thiện, cán bộ văn hóa xã Phước Sơn, khẳng định: Từ khi các mô hình ra đời, hiện tượng xung đột dẫn đến bạo lực trong gia đình ở địa phương đã giảm hẳn. Năm 2016 đến nay, xã chưa nhận được thông tin vụ bạo hành nào.
Ở huyện Tây Sơn, từ năm 2009, Hội LHPN xã Bình Nghi đã xây dựng mô hình CLB gia đình hạnh phúc tại thôn 2, thu hút sự tham gia của 20 cặp vợ chồng. Chị Lê Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nghi, chia sẻ: Từ khi CLB đi vào hoạt động, các thành viên được nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, góp phần gắn kết, dung hòa mối quan hệ gia đình, đẩy lùi những xung đột, bạo lực. Các thành viên CLB cũng thường xuyên tham gia công tác xã hội như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, giúp các hội viên vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm cho phụ nữ để ổn định cuộc sống gia đình.
Đến nay, toàn tỉnh có 122/156 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống BLGĐ, tiêu biểu là các mô hình ở các xã, phường như: Cát Tường (huyện Phù Cát), Ân Mỹ, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), An Hòa (huyện An Lão), Bình Nghi (huyện Tây Sơn), Đống Đa (TP Quy Nhơn)… 169 CLB Gia đình hạnh phúc cũng phát triển bền vững với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt gồm các nội dung thiết thực: Cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLGĐ; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình…
Đồng thời, toàn tỉnh thành lập được 415 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, BLGĐ, kịp thời hỗ trợ cho nạn nhân bị BLGĐ có nơi tạm lánh và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe, tính mạng.
Theo bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của công tác gia đình đối với sự phát triển KT-XH đã được nâng lên rõ rệt. Những mô hình phòng, chống BLGĐ được thành lập, được lồng ghép các tiêu chí quan trọng của công tác gia đình vào tiêu chí bình xét và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa như: Gia đình không bạo lực; gia đình không sinh con thứ ba; gia đình không vi phạm pháp luật; gia đình không trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học...
TRỌNG LỢI