Lần đầu tiên Việt Nam ghép gan cứu sống bé gái ung thư gan giai đoạn cuối
Bé gái 18 tháng tuổi, ở Hà Nội, mắc bệnh u nguyên bào gan ác tính khi mới 11 tháng tuổi. Dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạch song khối u vẫn phát triển nhanh, không có khả năng cắt bỏ.
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phối hợp với các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thực hiện ghép gan thành công cho bé gái 18 tháng tuổi, ở Hà Nội, mắc bệnh u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi.
Ê kíp thực hiện ghép gan thành công cho bệnh nhi. (Ảnh: BVCC)
Được biết, dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạch song khối u vẫn phát triển nhanh, không có khả năng cắt bỏ và có nguy cơ di căn đến các cơ quan khác.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, ngay từ khi phát hiện, bệnh của cháu bé đã ở giai đoạn muộn, khối u lớn lan tỏa, chiếm phần lớn thể tích gan, không có khả năng cắt bỏ vì còn quá ít thể tích gan lành.
Phương pháp điều trị hóa chất và nút mạch hóa chất được các bác sĩ tiến hành với hi vọng khống chế sự phát triển khối u và tăng thể tích phần gan còn lại để có thể phẫu thuật loại bỏ khối u. Tuy nhiên, cả hai phương án này không đạt hiệu quả tối ưu khi thể tích khối u gan vẫn không thuyên giảm sau điều trị, đe dọa các biến chứng bất lợi cho tính mạng của bệnh nhi.
Ngày 24.5, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ đạo, điều hành, huy động các y bác sĩ của Bệnh viện và sự phối hợp tham gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau hội chẩn, PGS.TS Trần Minh Điển quyết định lựa chọn phương án ghép gan để cứu sống bệnh nhân. Người hiến tặng gan cứu sống bệnh nhi chính là mẹ của bé, năm nay 41 tuổi.
PGS.TS Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, trở ngại lớn nhất mà các bác sĩ phải vượt qua trong ca ghép này là trường hợp ghép gan cho trẻ em đầu tiên trên nền một bệnh lý ác tính, nhiều nguy cơ biến chứng và rủi ro rất cao. Chính vì điều này, việc tầm soát các tổn thương xâm lấn sang các cơ quan khác là vô cùng quan trọng trước khi tiến hành thay thế gan bằng mảnh ghép gan mới. Các xét nghiệm tầm soát di căn trước phẫu thuật đã được tiến hành một cách thận trọng và tỉ mỉ nhằm đưa ra các phương án phẫu thuật tối ưu.
Theo Đại tá TS. Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trước phẫu thuật, các bác sĩ, chuyên gia đánh giá bệnh nhi có khối u lớn, có khả năng xâm lấn vào tĩnh mạch chủ, vì vậy việc phẫu thuật sẽ gặp khó khăn.
"Chúng tôi đưa ra phương án có thể phải thay cả đoạn tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhi. Trong cuộc mổ, nhờ việc phẫu tích chính xác và xử lý tốt các mạch máu, chúng tôi không phải sử dụng phương án thay thế đoạn tĩnh mạch chủ dưới. Với sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa hai bệnh viện, tận dụng những kinh nghiệm trong ghép gan, gây mê hồi sức, tổ chức điều phối,… ca phẫu thuật được thực hiện thành công”- Đại tá Lê Văn Thành cho biết.
Để hạn chế tối đa các phản ứng bất lợi về miễn dịch do bất đồng nhóm máu, các bác sĩ chuyên khoa gan mật đã phải sử dụng các liệu pháp điều trị nội khoa trước ghép để bé có thể sẵn sàng nhận mảnh ghép từ người mẹ. Các phương án dự phòng phản ứng thải loại sau ghép thường gặp ở những trường hợp ghép gan do bất đồng nhóm máu cũng được chuẩn bị sẵn sàng.
Vượt qua những khó khăn không chỉ về mặt kĩ thuật mà cả những thiếu thốn về nhân lực, máu và chế phẩm máu trong đại dịch Covid-19, ngày 29.5, ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi đã được tiến hành thành công.
Mẹ bé được ra viện sau 1 tuần phẫu thuật và 2 tuần sau đó, đại gia đình được đón cháu bé khỏe mạnh xuất viện. Đây là ca ghép gan đầu tiên cho trẻ bị ung thư gan được tiến hành tại Việt Nam, mở ra cánh cửa hy vọng mới cho các trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo.
(Theo Minh Khánh/VOV.VN)