Thực hiện phong cấp vận động viên: Tạo sự cạnh tranh lành mạnh
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Thông tư 06/2021/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp VÐV thể thao thành tích cao, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.9.2021. Ðây được coi là cơ sở quan trọng để các địa phương xây dựng mức chế độ cho từng đối tượng VÐV, qua đó tạo động lực cho VÐV phấn đấu để đạt hoặc giữ đẳng cấp cao.
Theo Thông tư 06, về tiêu chuẩn chuyên môn, VĐV được tham dự một trong các đại hội thể thao: Đại hội Olympic (Olympic), Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Olympic trẻ (Olympic trẻ), được phong đẳng cấp “VĐV kiện tướng”.
Việc phong đẳng cấp VĐV được cho có tác dụng tạo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần kích thích tinh thần tập luyện để nâng cao thành tích.
- Trong ảnh: Các võ sĩ thi đấu tại Giải vô địch Cúp kickboxing toàn quốc năm 2020. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Bên cạnh đó, Thông tư 06 còn quy định cụ thể tiêu chuẩn chuyên môn phong đẳng cấp VĐV thể thao thành tích cao của 52 bộ môn thể thao. Tiêu chuẩn chuyên môn phong đẳng cấp VĐV chủ yếu dựa vào thứ hạng của VĐV (nhóm VĐV, đội tuyển) ở một giải đấu hoặc thành tích cụ thể của các VĐV trong những nội dung thi đấu ở các giải. Bên cạnh tiêu chuẩn dành cho các nội dung cá nhân, với các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền, bóng ném…, Thông tư 06 cũng quy định cụ thể số lượng VĐV/đội được phong đẳng cấp dựa trên thành tích của tập thể đó.
Hiện nay, ngành Thể thao tỉnh đang thực hiện việc phân bổ tiền công, tiền dinh dưỡng cho VĐV theo 3 mức: VĐV đội tuyển, VĐV đội trẻ và VĐV năng khiếu. Do áp dụng hình thức “khoán” số lượng VĐV ở các đội tuyển, tương ứng với đẳng cấp của VĐV, chứ không chỉ căn cứ vào thành tích cụ thể của VĐV đó nên việc phong đẳng cấp VĐV chưa thực sự chuẩn xác. Dù cách làm lâu nay một mặt được cho là có tính nhân văn, khi giữ đẳng cấp cho VĐV có nhiều đóng góp, từng đạt nhiều thành tích nhưng không may dính chấn thương hoặc đã lớn tuổi. Nhưng ở góc nhìn khách quan, cách làm này có thể làm giảm hoặc triệt tiêu ý chí phấn đấu của VĐV, bởi số lượng VĐV ở từng đẳng cấp bị khống chế, nên những VĐV khác khó có cơ hội góp mặt.
Nói về tác động của Thông tư 06, HLV đội tuyển điền kinh Bình Định Huỳnh Minh Hiếu chia sẻ: Với nhiều môn, VĐV đoạt huy chương ở các giải quốc gia, giải trẻ quốc gia là được phong đẳng cấp, còn với môn điền kinh thì quy định theo thành tích cụ thể chứ không căn cứ vào huy chương. Ví dụ, ở nội dung chạy 100 m nam, VĐV phải đạt được thành tích 10 giây 79 mới được phong đẳng cấp VĐV kiện tướng, còn nếu đoạt HCV giải vô địch quốc gia nhưng thành tích thấp hơn 10 giây 79 vẫn không được phong kiện tướng. Bên cạnh đó, ở nội dung chạy tiếp sức 4 x 800 m nữ, ở giải năm 2020, các học trò của tôi đạt thành tích 9 phút 23 giây, theo quy định cũ là đạt đẳng cấp kiện tướng (thành tích từ 9 phút 25 giây), nhưng Thông tư 06 quy định VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng phải đạt thành tích 8 phút 52 giây; VĐV cấp 1 phải đạt 9 phút 12 giây (cao hơn cả thành tích đạt kiện tướng của quy định cũ).
Điểm mới của Thông tư 06 là ngoài 2 đẳng cấp như trước đây gồm VĐV kiện tướng và VĐV cấp 1, còn có thêm quy định tiêu chuẩn chuyên môn phong đẳng cấp VĐV cấp 2. Điều này giúp cho các đơn vị quản lý có thêm cơ sở xác định đẳng cấp VĐV, áp dụng các chế độ tiền công, tiền dinh dưỡng sát hơn cho từng đối tượng VĐV.
Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Thông tư 06 là một cơ sở quan trọng để ngành Thể thao tỉnh xây dựng các chế độ cho VĐV. Hiện chúng tôi đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 nên cần rà soát, đánh giá, nhìn nhận ở nhiều góc độ. Qua đó, tham mưu với UBND tỉnh áp dụng các chế độ phù hợp cho từng đối tượng VĐV, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần kích thích tinh thần tập luyện để nâng cao thành tích thể thao Bình Định ở các giải quốc gia, quốc tế”.
HOÀNG QUÂN