Khảo nghiệm giống cây trồng mới: Tăng năng suất, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng nghiên cứu, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới, tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 thắng lợi có đóng góp rất lớn từ giống. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), ở vụ sản xuất này ngành Nông nghiệp tập trung vào giống lúa trung, ngắn ngày phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Theo đó, các chân ruộng chủ động nước được bố trí các giống lúa trung ngày có tiềm năng, năng suất cao như Q5, TBR1, ĐV, 108, Khang dân đột biến, BC15, ĐB 6…; vùng chân ruộng sạ muộn dùng các giống ngắn ngày như An Sinh 1139, PC6, SV81… Trong cơ cấu giống tại Bình Định đã có một số giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, Hương Châu 6, Hương Xuân, ST24, ST25. Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 thắng lợi có đóng góp rất lớn từ giống. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), ở vụ sản xuất này ngành Nông nghiệp tập trung vào giống lúa trung, ngắn ngày phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Theo đó, các chân ruộng chủ động nước được bố trí các giống lúa trung ngày có tiềm năng, năng suất cao như Q5, TBR1, ĐV, 108, Khang dân đột biến, BC15, ĐB 6…; vùng chân ruộng sạ muộn dùng các giống ngắn ngày như An Sinh 1139, PC6, SV81… Trong cơ cấu giống tại Bình Định đã có một số giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, Hương Châu 6, Hương Xuân, ST24, ST25.
Giống lúa ST25 đang sản xuất thử tại HTXNN Nhơn Thọ 2 (Nhơn Thọ, TX An Nhơn). Ảnh: PHẠM VĂN TÂN
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết, nhờ việc khảo nghiệm thành công các bộ giống kết hợp với chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông, các giống lúa mới phát triển tốt ở Bình Định; những con số về năng suất liên tục tăng là minh chứng. Bằng chứng là từ vụ Đông Xuân 2019 đến nay, năng suất lúa đạt 70 - 75 tạ/ha, vụ Hè Thu 2021, năng suất lúa khoảng 68 - 72 tạ/ha; diện tích lúa áp dụng phương pháp thâm canh cải tiến SRI đều trên 70 tạ/ha. So với vài ba năm trước đã là một bước tiến dài.
Trước khi triển khai sản xuất lúa giống theo chuỗi, lúa thương phẩm với các DN, HTX, ngành Nông nghiệp đã cho thử nghiệm nhiều bộ giống lúa mới. Hiện nay, giống lúa đều được các DN thử nghiệm trước thành công rồi chuyển giao cho HTX sản xuất đại trà khá thuận lợi. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) tâm đắc: Nhờ được hỗ trợ, chuyển giao nhiều về tiến bộ KHKT và công nghệ, các HTXNN có thêm nhiều cơ hội tốt để sản xuất đại trà các giống lúa chất lượng, năng suất cao, nông dân được hưởng lợi rất nhiều. Trước đây chúng tôi có khảo nghiệm một số giống lúa dòng OM từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, một số giống do Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed cung cấp; vụ Hè Thu năm 2021, HTX đang sản xuất thử giống lúa ST25, diện tích khoảng 2 ha sắp cho thu hoạch. Tất cả đều rất khả quan.
Mô hình khảo nghiệm giống đậu xanh tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Tương tự, để tìm kiếm giống rau phù hợp, đầu tháng 8 này, nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn Định Bình (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) trồng và khảo nghiệm giống súp lơ vàng. Theo ông Nguyễn Xuân Quang, hộ dân chọn thí điểm trồng giống súp lơ vàng, nếu giống mới phù hợp, nông dân có thêm một giống rau mới trên địa bàn.
Ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ, việc khảo nghiệm giống không chỉ góp phần tìm ra, lựa chọn các bộ giống phù hợp, mà thông qua các mô hình khảo nghiệm, mức độ tương tác giữa cán bộ khuyến nông với nông dân cao hơn, qua đó tiến bộ KHKT đến gần và sâu vào đời sống sản xuất của bà con; việc kết nối trực tiếp trên đồng ruộng còn giúp nông dân thêm tin vào sức mạnh của khoa học, công nghệ để sản xuất tốt, đạt hiệu quả cao hơn.
Trao đổi về công tác khảo nghiệm giống cây trồng mới, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết, năm 2021, đơn vị thực hiện khảo nghiệm một số giống cây trồng cạn để làm giàu danh mục cây trồng, đồng thời phục vụ mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện Trung tâm đang triển khai khảo nghiệm giống đậu xanh ĐX06, ĐX08, ĐX10, ĐX21, ĐX22, ĐX208 ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện khí hậu của Vĩnh Sơn. Tùy theo kết quả đánh giá, Trung tâm chọn ra giống phù hợp chuyển giao giống và kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân, nhằm phục vụ thay đổi luân phiên giữa các vụ rau. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai các mô hình, khảo nghiệm giống mới chậm lại, chưa đánh giá được kết quả. Theo chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, Trung tâm thực hiện 15 mô hình trồng trọt, gồm khảo nghiệm giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi, chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ… Các mô hình này góp phần giúp nông dân Bình Định có thêm lựa chọn trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế.
THU DỊU