Tiếng bài chòi trong gánh ve chai
Người đàn bà mua đồng nát thỉnh thoảng đặt gánh ngồi trên vỉa hè say sưa hát những làn điệu bài chòi qua điện thoại. Có người nói, hàng ế nên ngồi hát cho khuây. Người cho rằng bà này bị nghề ám rồi có lúc “lên cơn”. Nhưng khi nghe bà “lên cơn”, ai cũng ngỡ ngàng trước chất giọng mượt mà, độc đáo, hiếm có.
Cũng có khi bà cầm điện thoại, vừa hô vừa giảng giải rất rành rọt các làn điệu, rồi tự cười. Ấy là những lúc nghệ nhân Nguyễn Thị Đức (nghệ danh Minh Đức), 63 tuổi, sống ở thôn Mỹ Hưng 2, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, đang dẫn chứng cho những luận điểm trong công trình của một giảng viên trường âm nhạc nghiên cứu về đề tài bài chòi cổ ở Bình Định.
Tinh hoa sót lại
Ở đất Bình Định, giờ vẫn có người biết hô bài chòi. Nhưng khỏe hô, diễn rành những làn điệu cổ thì nhiều người cho rằng, bà Đức là một đại diện xứng đáng về bài chòi cổ, là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian. Bà đang sống bằng nghề mua bán ve chai.
Bà Đức sinh ra trên miền đất giàu truyền thống bài chòi và hát bội. Chính ông ngoại, mẹ và một số nghệ nhân đã dạy cho bà biết hát. Thấm đẫm những làn điệu từ khi lọt lòng mẹ, tuổi thơ của bà đi qua trong những gánh hát nghiệp dư rong ruổi trên những miền quê. Bà có khả năng tư
duy tốt, nhanh nhạy trong diễn xướng và lĩnh hội được những tinh hoa của dân gian, các bậc tiền bối nên nổi tiếng khi còn rất trẻ. 15 tuổi, bà đã lấy nhiều nước mắt của khán giả qua chất giọng đặc biệt của mình. Lúc đó, nhiều gánh hát đều muốn mời đào Minh Đức về diễn.
Nhưng vùng quê quanh năm nghèo khó trong cuộc mưu sinh, không gian dành cho bài chòi, hát bội ngày càng hẹp dần, nhiều gánh hát tan rã. Lớp trẻ ít mặn mà với các loại hình nghệ thuật dân gian này. Họ nghe bài chòi thấy lạ lẫm, hờ hững, ngoảnh mặt. Người hát bài chòi cũng dần thất nghiệp. Một số gánh hát muốn cưỡng lại quy luật khắt khe này nên cải biên, pha trộn hát bội, cải lương, tân nhạc vào bài chòi để thu hút khán giả. Sự cách tân ấy làm cho sân khấu phong phú, đa dạng nhưng người hát bài chòi lại pha giọng, lai điệu. Sự lai căng ấy dần ăn sâu vào hoạt động chuyên nghiệp và đánh mất dần lối hát đặc trưng của bài chòi cổ.
Áo cơm cuộc đời
Rồi những gánh hát bài chòi cũng tan rã, giọng hô bài chòi của bà Đức tạm tắt trong thời buổi khó khăn. Nhiều đời hát bài chòi, gia đình bà say mê, sống hết mình với loại hình nghệ thuật này nhưng những oan nghiệt và nghèo khổ đã đẩy bà xuống tận sâu trong vũng nghèo. Giọng hô bài chòi của bà, như một thứ vàng ròng, bị khuất lấp trong những cơm áo đời thường.
Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, trình Chính phủ đưa di sản Bài chòi Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bộ VH-TT-DL cũng đã có chỉ đạo bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật này và tiến hành kiểm kê khoa học để hoàn chỉnh hồ sơ về nghệ thuật bài chòi. Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT-DL sẽ đệ trình để đề nghị UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chồng chết để lại cho bà 6 đứa con và mẹ già. Lưa thưa những lần đi diễn không đủ nuôi gia đình, bà rong ruổi đi bán vé số, chổi lông gà, mua ve chai. Cô đào Minh Đức bước ra đời thường với bao nỗi nhọc nhằn. Những con phố bà đi qua, mọi người nhìn bà lạ lẫm bởi bà biết cách hóa trang mình lùi xùi để khán giả không nhận ra đó là cô đào xinh đẹp trong vở diễn mà họ vừa xem. Mấy đứa con bảo: “Mẹ bỏ hẳn nghề hát đi, mối ve chai nhiều lắm!”. Nằm đêm trăn trở rồi bà trả lời con: “Mẹ đi hát hết sô rồi đi buôn bán cũng kịp mà”.
Lọt thỏm giữa xóm nghèo, căn nhà bà lúc nào cũng đông đúc mỗi khi bà đi mua bán ve chai ở Đăk Lăk về. Họ đến để nghe bà hát. Chị Nham, một người hàng xóm, kể: “Bà con mê chị Đức hát lắm, nhiều đêm trăng ở quê, cả xóm tập trung đến nhà chị nghe hát. Họ nói để họ góp gạo cho chị ở lại đây hát cho họ nghe chứ đừng đi đâu xa”. Nhưng tình cảm của bà con láng giềng không đủ giúp bà vượt qua cái nghèo, bà phải vác chổi lông gà ra Đà Nẵng, lên Đà Lạt bán. Ế thì đi mua đồng nát, ve chai mưu sinh qua ngày.
Tiếp tục “cháy” với bài chòi
Sóng hết lay, gió hết giật cho thân phận bài chòi cổ khi Liên hoan bài chòi Bình Định lần thứ I được tổ chức năm 1992 với mục đích tìm kiếm nghệ nhân dân gian. Trong liên hoan, nghệ sĩ Kim Nam, một thành viên của Ban tổ chức khi nghe giọng hô của bà Đức đã không kiềm được xúc động, chạy lên sân khấu mừng rỡ và hét to: “Tôi tìm thấy rồi!”.
“Nghệ nhân Minh Đức là một trong những người tiêu biểu của bài chòi dân gian Bình Định. Minh Đức có nhiều thế mạnh là hô thai chòi hiệu rất tốt, thuộc nhiều câu thai, diễn được nhiều vai đào trong các tuồng bài chòi cổ. Cả đời chị dành cho bài chòi”.
Nhà nghiên cứu, đạo diễn Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Bà Đức không ngờ giọng hát quê mùa của mình lại được trân trọng như thế. Từ đó, bà được đảm nhiệm đào tạo lớp trẻ, đảm nhiệm đào chính. Trên sân khấu, bà là công chúa, là bà tiên được khán giả yêu mến.
Giọng của bà trở nên quý hiếm vì những thế hệ hô bài chòi cổ đã dần khuất bóng. Nghệ sĩ, đạo diễn sân khấu Kim Nam khẳng định: “Hô bài chòi cổ ở Bình Định bây giờ chị Minh Đức là số 1. Đây là nghệ nhân đa tài, chị hô nhuần nhuyễn những làn điệu bài chòi cổ, diễn xướng tốt trong vai trò người hiệu trong hội chơi đánh bài chòi. Cùng một lời ca, chị không chỉ hô được làn điệu xuân nữ với nhiều sắc thái (trữ tình, xốc, lụy) mà còn hô được xàng xê, hò cáng...”. Tháng 7.2007, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Là diễn viên nghiệp dư nhưng mỗi lần dự liên hoan là nghệ nhân Minh Đức đều đạt giải, được nhận bằng khen. Tháng 12.2011, bà đại diện cho bài chòi cổ ở Bình Định đi tham gia Hội thảo quốc tế về đào tạo âm nhạc dân tộc ở Huế, nhiều người nghe tiếng đon đả làm quen. “Tôi rất vui và hạnh phúc vì họ trân trọng mình chính là trân trọng bài chòi cổ”, bà tâm sự.
PGS. TS Nguyễn Thụy Loan, một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhận xét: “Nghệ nhân Minh Đức là một trong số ít những nghệ nhân bài chòi dân gian con nhà nòi rất tài năng hiện còn khỏe và hoạt động tích cực trong các sinh hoạt bài chòi dân gian. Ngoài giọng hát hay và tài năng hô diễn, bà có vốn kiến thức rất đáng kính nể về loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, bà là một trong số những nghệ nhân bài chòi dân gian còn giữ được những lối hát đặc trưng của bài chòi cổ chưa bị ảnh hưởng nặng nề của cải lương. Chắc chắn rằng bà sẽ là một trong những nhân tố nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này - nếu các cơ quan hữu trách biết trân trọng và tạo những điều kiện tốt nhất để bà có thể trao truyền vốn hiểu biết và các kinh nghiệm nghề nghiệp của mình”.
Có những lúc đang quảy gánh ve chai, nhận được điện gọi về tham dự, biểu diễn ở các hội thảo âm nhạc dân tộc, vậy là bà quẳng gánh, bắt xe về ngay. Bà có mặt “trên từng cây số” ở các cuộc thi, hội thảo, hội đánh bài chòi trong cũng như ngoài tỉnh. Thời gian gần đây, trò chơi bài chòi được khôi phục, tổ chức hàng tuần ở Quy Nhơn, thu hút nhiều người đến thưởng thức, tham gia nên cuối tuần nào bà cũng xuống Quy Nhơn để hô. Gánh bài chòi thăng ít trầm nhiều nhưng giọng ca của bà vẫn còn say sưa giữ hồn cho bài chòi cổ không bị mai một.
Ông Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, một trong những người song hành cùng nghệ nhân Minh Đức trong vai trò hiệu tại các hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn, cho hay, sau khi Sở VH-TT-DL phục dựng thành công Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, nghệ sĩ Minh Đức đã đứng ra dạy hát, dạy hô những câu thai và các làn điệu cổ, giúp phong trào ngày thêm vững mạnh. Trong những đêm hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn, bà là “linh hồn” của đêm diễn. “Nghệ sĩ Minh Đức là một kho các câu thai, trích đoạn, là cô giáo mẫu mực, cháy hết mình với đam mê. Nghệ nhân hát bài chòi cổ trong tỉnh chỉ còn vài người, nhưng nhiệt tình như chị thì chỉ có một mà thôi. Chẳng bao giờ kêu ca phàn nàn gì. Khi có yêu cầu là chị đến, khi đi xe buýt, lúc bắt xe ôm, dẫu thù lao cho mỗi đêm diễn chỉ được vài ba trăm ngàn đồng”, ông Việt nói.
Bài, ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Bài viết của anh là đúng nhưng chưa đủ! vì sao lại thế? ngoài cô Đức, anh Việt là những hiệu tài, chú Pha cũng rất giỏi trong dàn dựng; còn một người mà anh chưa nói đến. đó là anh Long "đờn cò". trong tất cả các buổi diễn, các Hội thi cây đàn nhị của anh ấy là không bao giờ thiếu. nói vậy chắc anh hiểu vì sao rồi! tấm hình anh chụp và đăng ở đầu trang có anh Long đang chơi đàn cho cô Đức hát, phải nói rằng anh Long cũng đóng góp không nhỏ cho bài chòi quê mình.