HOẠT ĐỘNG SƠ CHẾ MỰC XÀ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Ở XÃ CÁT KHÁNH:
Cần xử lý dứt điểm
Mặc dù Báo Bình Định đã nhiều lần phản ánh, chính quyền địa phương cũng cam kết triển khai các biện pháp khắc phục, nhưng đến nay người dân trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) vẫn phải khổ sở vì sống chung với ô nhiễm môi trường phát sinh trong hoạt động sơ chế mực xà.
Ô nhiễm nặng trong thời gian dài
Giữa tháng 8, thời tiết ở hai làng biển An Quang Đông và An Quang Tây nắng nóng oi bức. Nhà sát nhà. Cái nắng giữa trưa càng cực và khó chịu hơn khi mùi hôi, tanh từ các cơ sở sơ chế mực xà xộc vào từng nhà dân. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những người lớn tuổi không ngủ trưa được, ra khỏi nhà, tìm chỗ bóng mát, không khí thoáng đãng để ngồi. Không phải nói ngoa, chứ đứng bất kỳ đâu ở hai làng biển này, theo mùi ai cũng có thể dễ dàng tìm ra các cơ sở sơ chế mực xà ở địa phương. Ông T.V.L, một hộ dân ở thôn An Quang Tây, chia sẻ rằng: “Ở đây đất chật người đông, trừ các hộ sản xuất ra, mọi người dân đều kêu ca vì mùi hôi từ hoạt động này. Đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng thực trạng vẫn vậy, riết chúng tôi đành phải sống chung, nói nhiều sợ người ta ghét”.
Nhiều hộ dân ở xã Cát Khánh tận dụng các diện tích đất ven đầm Đề Gi để làm lán sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HỒNG PHÚC
Hoạt động sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra trong thời gian dài ở xã Cát Khánh. Khảo sát của phóng viên tại địa phương cho thấy, hầu hết các cơ sở sơ chế mực xà đều nằm trong khu dân cư và ven đầm Đề Gi. Mực xà sau khi sơ chế được phơi ven đầm và các khu đất trống ở trong khu dân cư với số lượng lớn làm phát tán mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt người dân. Đặc biệt, hễ chỗ nào ở ven đầm có cơ sở sơ chế mực xà thì đều xuất hiện các đường ống nhựa đấu nối trực tiếp ra đầm. Mặt nước ở khu vực này luôn trong tình trạng đen ngòm và bốc mùi hôi, tanh.
Được biết, toàn xã Cát Khánh hiện có 70 hộ (An Quang Tây 59 hộ, An Quang Đông 11 hộ) sơ chế mực xà. Trung bình mỗi hộ có khoảng 5 - 6 nhân công làm việc, sơ chế trung bình 4 - 5 tạ/ngày/cơ sở, mỗi tháng hoạt động khoảng 10 - 12 ngày, thời gian xẻ mực cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8. Có cầu ắt có cung. Xã Cát Khánh cũng có đội tàu “hùng hậu” với khoảng 90 chiếc chuyên đánh bắt mực xà ở ngoài khơi để cung ứng cho các cơ sở tại địa phương.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh xác nhận: Việc sơ chế mực xà đã phát sinh ra nhiều hệ lụy như việc xả thải trong quá trình sơ chế gây ô nhiễm môi trường, nhất là gây mùi hôi thối trong cộng đồng dân cư. Tuy một số cơ sở cũng đã hợp đồng với một DN để thu gom chất thải (túi mực, ruột mực) nhưng kết quả còn hạn chế. Đồng thời, hiện nay một số địa phương trong và ngoài tỉnh đã cấm hoạt động chế biến mực xà, nên nguồn nguyên liệu được tập trung vận chuyển đến xã để sơ chế. Vì vậy, việc xử lý dứt điểm tình trạng này là vấn đề khá nan giải. Hơn nữa, hoạt động sản xuất, chế biến mực xà mang lại nhiều lợi nhuận và việc làm cho lao động trong và ngoài xã.
Huyện cam kết xử lý kiên quyết
Trước đây, xã Cát Khánh đã khảo sát và quy hoạch 1 ha đất ở khu vực tiếp giáp giữa hai thôn An Quang Đông và Chánh Lợi để đưa các hộ sơ chế mực xà vào sản xuất, nhưng sau khi tính toán lại thì không khả thi nên dừng lại. Ông Nguyễn Trung Hiếu, cho biết: Qua tuyên truyền, một số hộ đã cam kết sẽ chuyển đổi sang nuôi trồng. Ngoài ra, Dự án Đường ven biển Cát Tiến - Đề Gi và Dự án Khu dân cư An Quang Tây dọc tuyến đê bao kết hợp kè chắn sóng thuộc tuyến ĐT 633 đang triển khai sẽ giải phóng mặt bằng 11 hộ sơ chế mực xà tại thôn An Quang Đông và 46 hộ ở thôn An Quang Tây.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên Báo Bình Định, với tinh thần cầu thị, ngày 16.8, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận đã đi kiểm tra thực tế hoạt động sơ chế mực xà tại xã Cát Khánh. Trao đổi với chúng tôi, ông Luận, khẳng định: Quan điểm của huyện là sẽ xử lý kiên quyết và dứt điểm vấn đề này. Trước mắt huyện đã chỉ đạo xã Cát Khánh cho tạm dừng hoạt động sơ chế mực xà tại địa phương để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay. Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị Sở NN&PTNT có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương không tiếp nhận các phương tiện chở mực xà từ địa phương khác nhập vào Cảng cá Đề Gi để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sơ chế trên địa bàn xã Cát Khánh nhằm giảm thiểu hoạt động. “Đối với 46 hộ nằm trong dự án Khu dân cư An Quang Tây, huyện sẽ đề nghị Ban Quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh sớm triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng. Còn 13 hộ không thuộc diện giải tỏa các dự án, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề”, ông Luận cho biết.
HỒNG PHÚC