Đề cao tính chủ động, an toàn trong từng giai đoạn để kích hoạt bệnh viện dã chiến đạt hiệu quả
(BĐ) - Ngày 19.8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đi kiểm tra thực tế công tác triển khai tiếp nhận, cách ly y tế tập trung, thiết lập cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ tại Trường CĐ Bình Định (cũ). Cùng đi có Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đề nghị các ngành tính toán kỹ lưỡng các phương án, đề cao tính chủ động, an toàn trong từng giai đoạn để kích hoạt bệnh viện dã chiến đạt hiệu quả. Ảnh: HỒNG PHÚC.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quân khu 5 và sau khi được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai thiết lập bệnh viện dã chiến tại Trường CĐ Bình Định (cũ), sẵn sàng kích hoạt khi có yêu cầu. Tại hiện trường, đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, báo cáo với lãnh đạo tỉnh về phương án sử dụng Trường CĐ Bình Định (cũ) qua 3 giai đoạn.
Cụ thể, trong giai đoạn 1, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh có 1.000 F1; khi trường tạm dừng hoạt động đào tạo tập trung thì thiết lập cơ sở cách ly y tế tập trung. Trong đó, khả năng tiếp nhận, cách ly của 5 khu ký túc xá tại trường là 657 người/219 phòng. Bộ CHQS tỉnh sẽ chỉ huy chung và phối hợp với UBND TP Quy Nhơn cùng điều hành công tác tiếp nhận, cách ly công dân.
Giai đoạn 2, địa bàn tỉnh có 500 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị, sử dụng trường để mở rộng làm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, quy mô đến 300 giường bệnh. Ở giai đoạn này, Sở Y tế chủ trì và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở điều trị.
Giai đoạn 3, địa bàn tỉnh có 800 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị; khi có Chỉ thị của Bộ quốc phòng, Quân khu và yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thành lập bệnh viện dã chiến lâm thời với quy mô 300 - 650 giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ. Ở giai đoạn này, Bộ CHQS tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh thành lập và vận hành bệnh viện.
Các ngành chức năng khảo sát sơ đồ các khu vực để tổ chức vận hành khi bệnh viện dã chiến được kích hoạt. Ảnh: HỒNG PHÚC.
Để việc tiếp nhận, cách ly y tế tập trung, thiết lập cơ sở điều trị và bệnh viện dã chiến đạt hiệu quả, Bộ CHQS tỉnh đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa một số hạng mục tại trường để đảm bảo tính lưỡng dụng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải y tế. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương tích cực tham gia công tác phục vụ khi khu cách ly hoặc bệnh viện kích hoạt; tập trung tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch, nhất là người dân ở khu vực sát trường.
Phát biểu tại buổi kiểm tra thực tế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đề nghị Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế và các ngành liên quan rà soát lại, đặt ra các ngưỡng an toàn trong từng giai đoạn phòng, chống dịch để kích hoạt bệnh viện dã chiến đạt hiệu quả. Đồng thời, chú trọng đảm bảo nhân lực và trang thiết bị, báo cáo và đề xuất cụ thể với tỉnh để có chỉ đạo thống nhất. “Khi số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại các cơ sở y tế là 500 người trên tổng khả năng 800 giường bệnh của ngành y tế tỉnh thì kích hoạt ngay cơ sở điều trị tại đây. Đồng thời, khi số lượng bệnh nhân đạt từ 600 - 650 phải kích hoạt toàn bộ bệnh viện dã chiến, không được đợi tới lúc các cơ sở y tế đạt ngưỡng 800 bệnh nhân mới kích hoạt, mà đây là thời điểm chuẩn bị và kích hoạt các khu dự phòng khác, như tại Trường ĐH Quy Nhơn. Chúng ta phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, kể cả trong tình huống xấu nhất xảy ra, tính chủ động, an toàn, hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu”, đồng chí Lê Kim Toàn lưu ý.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn kiểm tra cơ sở vật chất bên trong các ký túc xá. Ảnh: HỒNG PHÚC.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu nhà trường phải xác định tư tưởng là cơ sở này của trường sẽ được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch, trước mắt là làm khu cách ly tập trung và sau đó là cơ sở điều trị và bệnh viện dã chiến. Vì vậy, nhà trường phải lên phương án, lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo không gián đoạn chương trình và chất lượng dạy học. “Một khi bệnh viện dã chiến đã kích hoạt, hệ thống phục vụ của quân đội và y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, nên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phải chủ trì cùng các ngành, đoàn thể huy động lực lượng tình nguyện viên, các nguồn lực phục vụ tối đa cho hoạt động của bệnh viện dã chiến”, đồng chí Lê Kim Toàn nói.
Nguồn: BTV
Riêng hệ thống xử lý nước thải, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Bộ CHQS tỉnh báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trước mắt chưa thể đầu tư bài bản khi thời gian quá gấp rút, thì sẽ xây dựng đường ống riêng đi ra bể chứa rồi xử lý về mặt hóa chất, đảm bảo yêu cầu mới xả ra đường thải chung.
HỒNG PHÚC