Đất đai là tài sản thiêng liêng của quốc gia
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý vì đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Vì vậy, đất đai là tài sản thiêng liêng của quốc gia.
Kế thừa Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp tại Khoản 2, Điều 54 bổ sung quy định quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ để thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai. Hiến pháp quy định “Nhà nước thu hồi đất đai do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (Khoản 3, Điều 54). Trong điều kiện phát triển của đất nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc thu hồi đất đai phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 54). Hiến pháp còn bổ sung quy định về “trưng dụng đất có thời hạn trong một số trường hợp đặc biệt như chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, trường hợp phải đối phó với nguy cơ hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh” (Khoản 4, Điều 54) để thống nhất với quy định tại Điều 32 của Hiến pháp về trưng dụng tài sản, đồng thời làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định về trưng dụng đất đai trong Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.
Hiến pháp bổ sung một điều quan trọng về chính sách tài chính công (Điều 55) nhằm khẳng định vai trò của tài chính công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng tài chính công và tạo cơ sở hiến định cho việc thiết lập kỷ luật tài chính. Theo đó, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định.
TRUNG NGÔN