Khung dệt vải và bệ ống thổi lửa của nhân dân An Nhơn
Tại Nhà trưng bày truyền thống của Bộ CHQS tỉnh hiện lưu giữ khung dệt vải và bệ ống thổi lửa của nhân dân An Nhơn phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng thực dân Pháp một lần nữa trở lại xâm lược nước ta, quân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững độc lập, tự do dân tộc.
Khung dệt vải và bệ ống thổi lửa của nhân dân An Nhơn phục vụ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), tỉnh Bình Định về cơ bản là vùng tự do của chiến trường khu 5, thực thi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu phục vụ tiền tuyến; nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng tự do.
Ở An Nhơn, nhân dân ra sức khai thác ruộng đất, tận dụng cả đất nương bãi ven sông, đồi gò ven núi để trồng trọt, vừa giải quyết đời sống vừa làm nghĩa vụ phụ nuôi quân, đóng góp cho kháng chiến. Không những đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhân dân An Nhơn còn phát động phong trào trồng bông, kéo sợi, dệt vải để tự túc vải mặc và cung cấp sợi cho các xưởng dệt tập trung ở Đập Đá, Huỳnh Kim… sản xuất vải phục vụ nhu cầu hậu cần quân đội. Các lò rèn ở An Nhơn ngày đêm đỏ lửa để rèn vũ khí đánh giặc Pháp.
Đầu năm 1947, hàng vạn người dân An Nhơn tham gia lực lượng vũ trang, bán vũ trang, dân công tiếp vận phục vụ chiến trường. Các cơ quan của tỉnh và nhiều công ty, xí nghiệp ở Quy Nhơn chuyển lên An Nhơn làm việc và tổ chức sản xuất. Nhiều đơn vị bộ đội của Quân khu 5 và tỉnh về đóng quân, luyện tập, dưỡng binh..., tình nghĩa quân dân thêm thắm thiết, gắn bó giữa hậu phương với tiền tuyến. Năm 1950, do yêu cầu kháng chiến kiến quốc, một phần đất phía Đông Bắc xã Nhơn Hậu được tách ra để thành lập đơn vị hành chính mới là Đập Đá, trực thuộc tỉnh quản lý. Đập Đá trở nên nhộn nhịp như đại công xưởng, tổng kho cung cấp hàng hóa phục vụ kháng chiến, nhất là vải mặc, vũ khí thô sơ cho cả chiến trường khu 5.
Cùng với cả tỉnh, quân dân An Nhơn đoàn kết một lòng, dốc sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi chung trong 9 năm kháng chống Pháp, nhất là thắng lợi của chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.
NGỌC NHUẬN