Luân chuyển, điều động hợp lý để sử dụng cán bộ hiệu quả
Luân chuyển, điều động, sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo thực tế là giải pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ của tỉnh.
Kế hoạch số 05-KH/TU về luân chuyển, điều động, sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo thực tế nhiệm kỳ 2020 - 2025 là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác cán bộ thời gian đến.
Việc sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương sẽ góp phần bảo đảm dân chủ, khách quan trong công tác.
- Trong ảnh: Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh (đứng giữa) hiện là bí thư cấp huyện không phải người địa phương. Ảnh: N.V.T
Theo Kế hoạch, công tác luân chuyển, điều động cán bộ phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển, điều động với ổn định; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
Ngăn chặn lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, công tác luân chuyển, điều động cán bộ, sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo thực tế được quan tâm đẩy mạnh sẽ góp phần bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen... Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Quá trình thực hiện kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ giữa các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong bối cảnh số cán bộ luân chuyển, điều động chưa nhiều. Tại buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về tình hình công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải phát huy vai trò chủ công, cùng các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ theo hướng mở, không cục bộ, khép kín.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ, tới đây, việc luân chuyển, điều động, sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo thực tế phải bảo đảm tổng thể, liên thông, “có lên, có xuống” giữa các cơ quan, đơn vị.
“Quá trình luân chuyển, điều động sẽ gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển, điều động cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ”, đồng chí Nguyễn Giờ cho biết.
Phấn đấu hết năm 2025 không còn bí thư cấp huyện là người địa phương
Kế hoạch số 05-KH/TU đặt ra mục tiêu thực hiện với số lượng cán bộ được luân chuyển, điều động cụ thể. Theo đó, sẽ luân chuyển, điều động Tỉnh ủy viên công tác ở các cơ quan cấp tỉnh về huyện, thị xã, thành phố và ngược lại, kết hợp bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương từ 17 - 19 đồng chí.
Cùng với đó là luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo giữa các cơ quan, đơn vị khối đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh từ 7 - 9 đồng chí. Luân chuyển Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các ban, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh về huyện, thị xã, thành phố và ngược lại từ 10 - 12 đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Giờ cho hay, việc triển khai Kế hoạch số 05-KH/TU sẽ góp phần quan trọng để Đảng bộ tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành việc bố trí bí thư cấp huyện không phải người địa phương.
Đáng chú ý, việc xem xét bố trí, phân công cán bộ sau luân chuyển, điều động được quy định chặt chẽ, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển, điều động và kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ.
Trong đó, cán bộ được điều động sẽ được xem xét, bố trí công tác theo chức danh quy hoạch và nhu cầu thực tế của tỉnh. Cán bộ thuộc diện luân chuyển được xem xét, bố trí công tác theo chức danh quy hoạch hoặc vị trí công tác mới theo nhu cầu thực tế của tỉnh. Trường hợp chưa sắp xếp, bố trí được vị trí công tác mới hoặc chức danh theo quy hoạch, cán bộ luân chuyển được trở về vị trí công tác trước khi luân chuyển.
Đối với cán bộ trẻ được luân chuyển để đào tạo thực tế, sau thời gian luân chuyển được trở về đơn vị công tác trước khi luân chuyển; được bố trí chức vụ tương đương với chức vụ đảm trách trước khi luân chuyển và được ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn theo quy hoạch khi cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu.
NGUYỄN VĂN TRANG