Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá
Đưa hoạt động đấu giá tài sản đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá là yêu cầu đặt ra cho lĩnh vực này. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn với Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn.
Ông LÊ VĂN TOÀN
Ngày 17.8.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 43/2018/ QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết kết quả thực hiện?
- Sau khi Quyết định được ban hành, công tác đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Hoạt động giám sát được triển khai chặt chẽ từ giai đoạn lập, niêm phong, bảo quản, mở thùng phiếu trả giá đến việc tổ chức đấu giá. Ngoài đơn vị tổ chức đấu giá, còn có sự giám sát của đại diện cơ quan TN&MT, tài chính, tư pháp và tùy từng trường hợp cụ thể còn có sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công tác thông báo công khai việc đấu giá tài sản (ĐGTS) được đảm bảo. Việc kết hợp giữa hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp với các hình thức đấu giá khác đã phát huy hiệu quả, bảo mật thông tin, hạn chế việc thông đồng, dàn xếp. Từ khi triển khai thực hiện Quyết định đến nay chưa xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến hoạt động ĐGQSDĐ trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các tổ chức đấu giá đã thực hiện đấu giá thành 722 cuộc, trong đó có 592 cuộc tài sản đấu giá là QSDĐ, 130 cuộc là tài sản khác. Tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá hơn 867 tỷ đồng; tổng giá bán của tài sản đấu giá hơn 1.012 tỷ đồng; tổng số tiền thù lao dịch vụ đấu giá thu được hơn 2,6 tỷ đồng; số tiền nộp ngân sách/ thuế khoảng 241 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐGQSDĐ vẫn còn vướng mắc về mặt thể chế mà Luật ĐGTS và Quyết định số 43/2018/QĐ-UBND chưa có quy định như: Việc chậm nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, việc hủy kết quả đấu giá đối với trường hợp này. Việc lựa chọn tổ chức ĐGTS còn nhiều bất cập, chưa có tiêu chí cụ thể dẫn đến triển khai thực hiện không thống nhất, dễ phát sinh tiêu cực…
Ngày 23.7, Bộ Tư pháp ban hành Văn bản số 2457/BTP-BTTP về một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS. Các giải pháp này có tác động như thế nào đến hoạt động ĐGTS - trọng tâm là ĐGQSDĐ trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Văn bản số 2457/BTP-BTTP đã đề ra một số giải pháp xung quanh việc thông báo trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS; về lựa chọn tổ chức ĐGTS; về việc đặt thêm yêu cầu, điều kiện không có cơ sở đối với người tham gia đấu giá; về việc người tham gia đấu giá gặp khó khăn, cản trở trong quá trình mua, nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; về việc ĐGTS theo lô.
Người tham gia đấu giá bốc thăm số thứ tự tham gia một phiên đấu giá quyền sử dụng đất (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021).
Những giải pháp này có tác động lớn đến hoạt động đấu giá, giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS, trọng tâm là ĐGQSDĐ trên địa bàn tỉnh thời gian đến. Cụ thể, nâng cao trách nhiệm của người có tài sản, góp phần đảm bảo việc thông báo công khai về đấu giá được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, nhất là thông báo trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS. Đồng thời, đảm bảo lựa chọn được tổ chức ĐGTS có uy tín, năng lực, chuyên môn thực hiện việc đấu giá. Đảm bảo việc giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đấu giá, kịp thời có ý kiến, yêu cầu tổ chức ĐGTS tuân thủ đúng quy định về bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá.
Xin ông cho biết, các giải pháp này sẽ được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
- Thực hiện Văn bản số 2457/ BTP-BTTP, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4999/UBND-TH ngày 13.8.2021 chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo đơn vị tổ chức thực hiện ĐGTS tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra bán đấu giá. Giám sát chặt chẽ tổ chức ĐGTS trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá sau khi ký hợp đồng dịch vụ ĐGTS, trong đó chú trọng kiểm tra việc đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS theo đúng thời gian, nội dung quy định.
Các đơn vị tổ chức thực hiện ĐGTS khi lựa chọn tổ chức ĐGTS cần căn cứ theo đúng các tiêu chí quy định, không đặt thêm các yêu cầu không có cơ sở, không cần thiết. Cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những tổ chức ĐGTS có hành vi vi phạm đã bị báo chí phản ánh và cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Sở Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp đơn vị tổ chức ĐGTS, tổ chức ĐGTS đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài quy định pháp luật để xem xét, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng đó, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động ĐGTS tại địa phương.
Xin cảm ơn ông!.
SAO LY (Thực hiện)