Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp
Ông Đỗ Tấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) cho biết: Trên địa bàn phường hiện có khoảng 50 hộ trồng cây ăn quả như: Xoài, ổi, bưởi da xanh… Do uy tín chất lượng cao nên chủ yếu đưa vào TP Hồ Chí Minh bán cho thương lái. Năm nay vụ thu hoạch rơi trúng thời điểm TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội khiến lưu thông hàng hóa đình trệ, trái cây bị dồn ứ, nông dân bị động nên chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn.
Tương tự tại huyện Hoài Ân, bưởi đang vào mùa nhưng không có người mua. Ông Nguyễn Hoài Thương, Giám đốc HTX 19.4 cho biết: Việc tiêu thụ bưởi vốn đã khó, giá chỉ còn một nửa so với mọi năm nay xã Ân Tường Tây phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến tình thế còn khó hơn. Một số hộ đã linh hoạt rao bán trên các trang mạng xã hội nhưng cũng giải quyết được số lượng ít vì chủ yếu bán cho khách hàng quen. Tới đây bưởi vào chính vụ với số lượng nhiều chưa biết phải tính sao...
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều DN tận dụng tối đa ưu thế của các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng đầu tư bài bản và có hiệu quả thì chỉ có một số ít DN như: Công ty TNHH Sachi Nguyễn (TX Hoài Nhơn), cơ sở Nguyễn Cảnh Duy (huyện Vân Canh). Các DN này đang tăng cường quảng bá và bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội như: Shopee, Sendo, Lazada, Facebook, Youtube... Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn chia sẻ: Thương mại điện tử là xu thế dịch chuyển tất yếu trong tương lai. Đặc biệt, trong mùa dịch bệnh hiện nay, nó giúp các DN nhỏ như tôi thuận lợi trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.
Mới đây, Bộ TT&TT đã có cuộc họp với đại diện 63 tỉnh, thành cả nước để triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Mục tiêu nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch; đồng thời, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, trung gian. Trong kế hoạch này, nông dân sẽ được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến... Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, ngoài sự trợ lực từ chính quyền, người sản xuất cũng phải chủ động thay đổi cách vận hành để thích ứng, đồng thời nâng cao kỹ năng bán hàng qua sàn thương mại điện tử để đi xa hơn và vươn ra “biển lớn”.
KHÁNH LINH