Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số:
Còn nhiều khó khăn
Từ cuối năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” (ĐABT) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai ĐABT chưa đạt kết quả như mong muốn và còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí.
Đặt ra nhiều mục tiêu
Mục tiêu chung của ĐABT trên địa bàn tỉnh được xác định: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng địa bàn có các dân tộc thiểu số có nguy cơ biến dạng văn hóa ở mức cao.
Kế hoạch triển khai thực hiện ĐABT được chia làm hai giai đoạn, trong thời gian 10 năm (2011 – 2020) tại các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Trong đó, giai đoạn 1 (2011 – 2015) với nhiều mục tiêu như: Hoàn thành việc thống kê về giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở từng địa phương về văn hóa gia đình, văn hóa làng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 100% các dân tộc thiểu số hiện có trên địa bàn tỉnh được kiểm kê tài sản văn hóa của dân tộc mình. 50 - 60% cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình (hoặc của dân tộc anh em có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa) đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành. Mỗi huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 1 nghề truyền thống; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian được định hướng phát huy; xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo…
Chưa đạt được kết quả mong muốn
Tháng 2.2012, UBND tỉnh có quyết định đầu tư kinh phí 24 tỉ đồng thực hiện ĐABT (riêng giai đoạn 1 là 16,3 tỉ đồng). Kinh phí được lấy từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện); nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; nguồn vốn huy động xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn do nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính khi triển khai ĐABT đến nay vẫn là do thiếu kinh phí. Theo một số ủy viên Ban Điều hành ĐABT, nguyên nhân chính của thực trạng này là do chưa có nguồn vốn đầu tư cụ thể từ Trung ương để thực hiện các dự án thành phần có liên quan đến ĐABT; ngoài ra, việc bố trí, lồng ghép, huy động các nguồn kinh phí khác cũng rất khó khăn, bất cập.
Từ sự thiếu hụt kinh phí, nhiều mục tiêu cụ thể đặt ra trong giai đoạn 1 ĐABT đến nay chưa đạt mấy; chủ yếu chỉ mới tiến hành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác kiểm kê vẫn còn nhiều hạn chế, ngay cả với địa phương thực hiện tốt nhất công tác này như huyện An Lão. Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng VHTT huyện An Lão, cho biết: “Ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn nên chỉ có thể cấp từ 23 - 25 triệu đồng mỗi năm để thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, chưa có sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này dẫn đến kết quả công tác kiểm kê của chúng tôi chưa có chất lượng cao, nhất là những di sản có nguy cơ mai một thì việc thu thập càng khó khăn hơn…”.
Một số mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 1 của ĐABT được đánh giá “rất khó”, đến nay vẫn chưa có các kế hoạch cụ thể, đầu tư kinh phí để triển khai. Trong đó, mục tiêu quan trọng: “Cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc” cũng gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết, được đại biểu nhiều địa phương miền núi nêu ra tại Hội thảo về di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bình Định (tổ chức cuối năm 2013). Ông Nguyễn Tấn Liêm, Trưởng Phòng VHTT huyện Vân Canh, cho biết: “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đứng trước thách thức lớn. Một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện chưa được người dân quan tâm đúng mức, có dấu hiệu mai một… Mong các cấp thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa về nguồn lực để địa phương cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn”.
Giai đoạn 1 ĐABT hiện đã trôi qua gần 2/3 thời gian theo kế hoạch, nhưng kết quả thu được còn rất khiêm tốn. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng những kế hoạch triển khai tích cực hơn để ĐABT không còn “nằm nhiều trên giấy” như hiện nay.
Hoài Thu