Hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh:
Cần được đầu tư nhiều hơn
Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ (NCKHCN) trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động NCKH, cụ thể là việc triển khai các đề tài, dự án (ĐT-DA) nghiên cứu vẫn còn dàn trải, nhỏ lẻ, chưa có những giải pháp mang tính đột phá.
Hoạt động nghiên cứu còn dàn trải
Trong mấy năm qua, hoạt động NCKHCN ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Các ĐT-DA đã hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều ĐT-DA trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế đã được ứng dụng và nhân rộng trong thực tiễn, góp phần giải quyết tốt những bức xúc trong sản xuất, trong nhiệm vụ của các ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc xây dựng, triển khai các ĐT-DA còn nhiều bất cập. Xét về quy mô và tác động, số lượng ĐT-DA có quy mô lớn, có tác động đột phá đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh chưa nhiều. Theo thống kê của Sở KHCN, từ năm 2010 đến nay, có hơn 50 ĐT-DA NCKHCN cấp tỉnh được triển khai thực hiện với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng, chủ yếu ở 6 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp, xã hội, nhân văn. Mặc dù hàng năm đều có hơn 10 ĐT-DA cấp tỉnh được phê duyệt nhưng số lượng các ĐT-DA có thể tạo nên sản phẩm mới, tạo ra các sản phẩm chủ lực của tỉnh hầu như không có.
Việc ứng dụng kết quả NCKHCN vào sản xuất và đời sống còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động NCKHCN trên địa bàn tỉnh chưa phát triển tương xứng với nhu cầu thực tế là do tiềm lực KHCN của tỉnh nhìn chung còn thấp. Các doanh nghiệp (DN) thật sự quan tâm đến đầu tư NCKH phát triển công nghệ chưa nhiều. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN cấp huyện cũng như trong một số sở, ngành còn mờ nhạt. Còn thiếu các đề tài mang tính chất đặt hàng của các ngành cho hoạt động KHCN…
Cần đầu tư cho tiềm lực KHCN
Hiện nay, sự đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN vẫn chưa đạt mức 2% tổng chi ngân sách tỉnh hàng năm theo quy định. Bên cạnh đó, số DN trong tỉnh quan tâm đến NCKHCN chưa nhiều. Đội ngũ nhân lực NCKH còn thiếu. Vì vậy, để hoạt động NCKHCN đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn, mục tiêu phát triển KHCN từ nay đến năm 2020 (vừa được Sở KHCN xây dựng) đã chú trọng đến các yếu tố phát triển đồng bộ tiềm lực KHCN, đồng thời tập trung phát triển các DN ứng dụng công nghệ cao, và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh. Theo đó, việc đầu tư tiềm lực sẽ tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các tổ chức nghiên cứu triển khai công lập của tỉnh về các lĩnh vực: giống cây, con trong nông-lâm-ngư nghiệp, chuyển giao tiến bộ KHCN, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Đồng thời, tạo bước đột phá trong chính sách nhân lực KHCN, bảo đảm gia tăng số lượng cán bộ NCKHCN đạt 11-12 người trên một vạn dân vào năm 2020.
Ông Võ Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN, cho biết: Bên cạnh việc đầu tư tiềm lực, Sở sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các DN đầu tư cho NCKHCN. Theo kế hoạch, số DN công nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ sẽ tăng trung bình 15%/năm đến 2015 và 20%/năm đến năm 2020. Trong các năm tới, sẽ phấn đấu xây dựng 2-3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo tiền đề để sau năm 2020 xây dựng một khu nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh những mục tiêu đầu tư dài hạn, để hoạt động NCKHCN đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, đơn vị trong việc đặt hàng, đề xuất các giải pháp, triển khai và nhân rộng kết quả sau nghiên cứu.
MAI HỒNG