Lễ hội cầu ngư ở Cù Lao Xanh
Những ngày này, nhịp sống thường nhật vốn bình lặng ở Cù Lao Xanh - xã đảo Nhơn Châu nhộn nhịp, tươi vui hẳn lên. Bởi, lễ hội cầu ngư - ngày hội lớn nhất trong năm của dân đảo đang diễn ra.
1.
Lăng Ông Nam Hải Nhơn Châu tọa lạc ở đầu thôn Tây, nằm quay mặt ra biển. Mặc dù chính lễ nghinh Ông (cầu ngư) bắt đầu từ sáng sớm ngày 16.3 (âm lịch) song từ vài hôm trước, không khí hội hè dân gian đã bao trùm khắp đảo. Thuyền đò từ Quy Nhơn cập cầu cảng Nhơn Châu, đã thấy bao bọc Lăng Ông là rợp trời cờ xí, rạp, mái che và rền vang trống chiêng. Người ra vào Lăng Ông tấp nập, bận rộn chuẩn bị, khuôn mặt ai cũng ánh lên vẻ chờ đón, háo hức. Trên các bàn thờ, hương, đăng, trà, quả mà Ban tổ chức lễ hội (Vạn ngư nghiệp Nhơn Châu) cùng ngư dân của đảo mua sắm, dâng cúng đã được bày biện tươm tất. Một sân khấu ba mặt đơn sơ để phục vụ cho hát bội cũng đã được dựng sẵn. Những bộ trang phục ông hoàng bà chúa màu sắc sặc sỡ, lấp lánh kim tuyến, kim sa; những đao, thương, kiếm, mũ mão cân đai, tóc giả, râu giả, trâm cài… mà đoàn hát chuẩn bị biểu diễn được móc treo lủng lẳng đầy trên những tấm màn nhung…
2.
Lễ hội cầu ngư chính thức bắt đầu bằng nghi thức rước thủy thần vào sáng sớm ngày 16.3. Sáng ấy, dân đảo tập trung đứng đông nghịt trên bờ biển trước Lăng Ông. Trong số ấy có cụ Phạm Lang, 93 tuổi, một trong những công dân cao tuổi nhất ở đảo. Cụ Lang trước đây tham gia Ban tế lễ thuộc Vạn ngư nghiệp Nhơn Châu, nay tuổi cao sức yếu đã “nghỉ hưu”. Tuy nhiên, trước và trong ngày diễn ra lễ hội, cụ luôn có mặt ở Lăng Ông để làm nhiệm vụ “cố vấn” khi cần. Cụ Lang nói trong niềm tự hào: “Dân đảo, đến những đứa trẻ mẫu giáo cũng biết tự thức dậy sớm trong ngày 16.3 để cùng chứng kiến các ông, các bác dong thuyền ra khơi rước thủy thần về dự lễ hội cầu ngư. Ngư dân của đảo chỉ có thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ, thu nhập từ nghề biển chỉ khiêm tốn đủ ăn chứ không dư dả để tổ chức lễ hội cầu ngư to như một số nơi. Mặc dù vậy, lễ hội cầu ngư nơi này luôn được Vạn ngư nghiệp, chính quyền địa phương và bà con đồng lòng, chung tay góp sức tổ chức, tuy giản đơn về hình thức nhưng nghiêm cẩn”. Ban tế lễ mang theo hương án, lên thuyền rước chạy trước, hai thuyền khác mỗi thuyền chở người đánh trống, chiên chạy sát hai bên, phía sau là gần chục thuyền khác theo hầu. Thuyền nào cũng cắm cờ Tổ quốc, cờ đuôi nheo bay phất phới đỏ chói trên biển. Người được phân công nhiệm vụ chánh bái là ngư dân đánh bắt giỏi Nguyễn Văn Hạnh, người được phong là “thợ nhất lưới đăng” ở đảo.
Chứng kiến trọn vẹn trình tự các nghi thức trong lễ hội cầu ngư ở Nhơn Châu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân nhận xét rằng, nghi thức trong lễ cầu ngư ở Nhơn Châu cũng tương tự như ở các làng biển trong đất liền. Tuy nhiên, có một nét riêng khác lớn nhất là ở chi tiết thả tấm lụa đỏ xuống nước trong khi làm lễ rước thủy thần, tượng trưng cho bắc chiếc cầu, để vời thủy thần từ dưới nước lên đảo. Đây là nét sáng tạo riêng và độc đáo trong tín ngưỡng tâm linh của người dân nơi đây mà không thấy ở bất cứ lễ hội cầu ngư nào trong đất liền.
Sau khi thực hiện xong các nghi thức trên biển, đoàn thuyền quay về, rước thủy thần nhập lăng trong sự chờ đón của ngư dân đang đứng dõi trông trên bờ. Họ trang nghiêm tiến vào Lăng Ông và tiếp tục các nghi thức còn lại của lễ hội dân gian miền biển này.
3.
Hai ngày ở đảo, ngày nào cũng vậy, đúng 17 giờ, tôi lại nghe những tiếng ồ vang đồng thanh đầy vui mừng của dân đảo khi thời điểm điện được bật lên. Người dân Nhơn Châu mỗi ngày chỉ được sử dụng điện từ 17 giờ đến 23 giờ. Đêm ở xã đảo vì đó mà rộn ràng hơn ngày. Thanh niên tập trung ở sân bóng chuyền cạnh cầu cảng chơi bóng đến khuya. Sân bóng chuyền này mới vừa được xây dựng năm 2013 và là niềm tự hào của người dân xã đảo. Bởi, đó là công trình ra đời từ nguồn kinh phí tự huy động, đóng góp của đoàn viên thanh niên và nhân dân trong xã để phục vụ cho nhu cầu chơi thể thao của dân mình. Dịp cầu ngư năm nay, Vạn ngư nghiệp Nhơn Châu quyết định “chi đậm”, mời Đoàn tuồng Ngô Mây về hát 4 đêm. Dân đảo vốn có truyền thống mộ tuồng, sành tuồng, đã yêu cầu hát những vở tuồng cổ: Tiêu Anh Phụng loạn trào, Tiết Đinh San chinh Tây, Ngũ hổ bình Nam, Nhị nữ tranh phu. Tối đến, từ khắp ngõ, xóm thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông, người người rủ nhau đến Lăng Ông xem hát. Tiếng trống chầu thúc giục, rền vang trên sóng nước.
Dân số Nhơn Châu có 490 hộ, 2.471 dân (thống kê năm 2013), trong đó có khá đông người đi làm ăn xa. Dịp cầu ngư năm nào đảo nhỏ cũng chứng kiến không ít cuộc hồi hương, hội ngộ xúc động. Anh Phan Văn Minh, 47 tuổi, một cư dân của Nhơn Châu đã chuyển đến lập nghiệp ở Phú Yên từ 21 năm trước, cũng về dự hội cầu ngư quê mình năm nay. Anh bùi ngùi tâm sự, rằng “chim có tổ, người có công”, với anh, ngày hội của quê hương cũng như ngày giỗ ông bà tổ tiên, dù có bận rộn mấy cũng phải sắp xếp về chung vui với bà con. Từ bao đời nay, lễ hội cầu ngư đã trở thành ngày hội lớn nhất của nhân dân Cù Lao Xanh - xã đảo Nhơn Châu có một phần được dựng xây từ những tình cảm đơn giản và nghĩa tình như vậy…
SAO LY