Người có “duyên” với nghệ thuật gỗ lũa
Không giống với nhiều nghệ nhân khác, anh Trương Nghiệp Tuấn (thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) là giáo viên Trường THCS Ân Tín có “duyên” với nghệ thuật gỗ lũa. Qua nhiều năm sưu tầm và sáng tác, hiện giờ anh Tuấn lưu giữ hàng trăm tác phẩm gỗ lũa.
Sống ở nơi ven rừng có nhiều sông suối, năm 2002 sau mùa lũ anh thấy trên sông, suối xuất hiện nhiều gốc cây có hình dạng lạ thường, đẹp mắt anh nhặt đem về. Mặc dù chưa hiểu gì về nghệ thuật gỗ lũa nhưng anh Trương Nghiệp Tuấn đã miệt mài đục, đẽo, gọt, dũa để làm ra tác phẩm. Để có một tác phẩm, khó nhất là công việc tìm kiếm loại gốc, rễ có hình hài tự nhiên, gỗ phải có tuổi đời lâu năm, vân lõi đẹp. Biết anh Tuấn say mê gỗ lũa nên nhiều người đi rừng thấy ở đâu có gốc, rễ, thân gỗ mục có hình dáng kỳ lạ thì đều nhặt về cho hoặc chỉ vị trí, dù khó khăn mấy anh Tuấn cũng đi đào đem về.
Có được “nguyên liệu” rồi tùy hình hài ban đầu mình tìm ra chủ đề cho tác phẩm mang ý nghĩa rồi bắt tay vào gọt, dũa, mài. Có tác phẩm nhanh thì vài tuần, có tác phẩm anh làm hàng năm trời mới hoàn thành. Ngoài công việc dạy ở trường, về nhà bốc thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân, thời gian còn lại anh Tuấn đều dành cho gỗ lũa. Qua các kỳ triển lãm ở tỉnh, nhiều người chơi sinh vật cảnh khắp nơi- có cả người nước ngoài tìm đến nhà anh Tuấn để hỏi mua, có tác phẩm khách trả hàng trăm triệu đồng nhưng anh không bán.
Hiện giờ anh Tuấn có một bộ sưu tập gỗ lũa được nhiều người ưa thích như tác phẩm “Non bộ”, khối gỗ lũa quý rất lạ mắt; tác phẩm “Lướt sóng” tạo bởi khối lũa nguyên, từ chất liệu cây Thiết lim hơn trăm tuổi. Hoặc tác phẩm “Chắp cánh ước mơ”, tạo từ khối nu nhựa cây tụ lại từ lâu của cây Săn đá với những u bướu đa dạng, những đường vân gỗ dọc ngang và uốn cong tạo nên bố cục hài hòa tôn vẻ đẹp hình ảnh con chim non đang chớp cánh bay lên.
“Nghề thuốc giúp cho tôi rất nhiều trong giáo dục học sinh biết quý trọng bản thân, bạn bè, quý trọng tính mạng mọi người. Còn nghề gỗ lũa giúp tôi nhìn nhận học sinh trên một phương diện khác. Trước khi trở thành tác phẩm nghệ thuật, những thân, gốc, rễ cây nằm lăn lóc trên sông suối, trông như mục nát bỏ đi ấy nhưng qua bàn tay của nghệ nhân, vẻ đẹp tiềm ẩn của nó hiện ra. Và đối với học sinh cũng vậy, không có một học sinh nào xấu cả, mà mỗi em đều có tính cách riêng. Có những học sinh bên ngoài có vẻ nghịch ngợm nhưng bên trong có nhiều đức tính tốt, vì vậy làm người thầy giáo tôi luôn tìm kiếm khơi dậy đức tính tốt của từng em”, anh Tuấn tâm sự.
VĂN HÙNG