Thừa kế thế vị
* Bà Trần Thị Nhị, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, hỏi: Cha mẹ ruột tôi có một ngôi nhà ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn. Cha mẹ tôi đều đã qua đời, không để lại di chúc. Gia đình tôi có 4 anh chị em ruột, anh hai tôi lập gia đình, có được một con trai, sau đó anh bị bệnh qua đời. Hiện còn lại ba chị em tôi đều đồng ý làm giấy tờ tự nguyện không hưởng thừa kế để lại ngôi nhà cho người em út thờ phụng ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, đứa cháu (con anh hai) không đồng ý và đòi chia phần thừa kế. Vậy việc đòi chia nhà của cháu tôi có cơ sở hay không?
- Trả lời: Theo điều 677 Bộ luật Dân sự có quy định: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
Vấn đề bà hỏi, vì cha mẹ bà qua đời không để lại di chúc, nên các anh chị em bà được hưởng thừa kế theo pháp luật, cùng hàng thừa kế với nhau. Những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản như nhau, trong đó có cả anh hai bà. Vì anh hai bà qua đời, theo quy định tại điều 677 Bộ luật Dân sự vừa nêu trên thì con anh hai bà được thừa kế thế vị. Tức là cháu bà được hưởng phần di sản mà cha của cháu được hưởng nếu còn sống. Việc cháu bà đòi chia thừa kế là đúng theo quy định của pháp luật dân sự. Vì vậy, gia đình bà nên họp lại để bàn bạc, thỏa thuận chia phần cho cháu, sao cho ổn thỏa, hòa thuận.
B.B.Đ
Theo những gì bà nêu ở trên thì anh hai của bà chết sau bố mẹ bà cho nên trong trường hợp này con anh hai bà không được thừa kế thế vị theo Điều 667 BLDS. Trong trường hợp này khi cha mẹ bà chết thì ngôi nhà sẽ chia đều cho 4 anh chị em. Khi anh hai bà chết thì di sản thừa kế (gồm một phần căn nhà) mà anh bà được hưởng sẽ chia di chúc hoặc chia theo pháp luật. Những người thừa kế được hưởng di sản thừa kế của anh hai bà (bao gồm con trai ông) có cơ sở để đòi phần di sản của anh hai bà trong ngôi nhà.