Thực phẩm kém vệ sinh “bủa vây” trường học
Hiện nay, các loại thực phẩm như đồ ăn, nước uống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh đang được bày bán tràn lan tại các cổng trường học. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý chưa được ngành chức năng quan tâm.
Tại TP Quy Nhơn, thực phẩm được bày bán theo kiểu lưu động trên xe đẩy, quang gánh không phải là ít; tuy nhiên chất lượng của nó chưa được cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Quan sát các cổng trường học, chúng tôi thấy những “quầy hàng” này bán đủ các loại đồ ăn sẵn như xiên que, trái cây ngâm, bánh kẹo không nhãn mác, nước uống có phẩm màu xanh, đỏ, vàng (hay còn được gọi là si-rô) …; theo cảm nhận trực giác của chúng tôi, hầu hết là mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Đơn cử như trước trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn), có rất nhiều người bán hàng rong cho học sinh ăn vặt. Các em vô tư ăn uống mà không biết chúng được chế biến như thế nào. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ khoảng 30 phút, nhiều món ăn trên các xe bán hàng rong đã vơi đi trước khi trống trường báo hiệu vào lớp. Thậm chí, nhiều phụ huynh khi đón con tan học cũng chiều lòng, mua các loại hàng rong cho con ăn, uống mà không hề nghi ngại về độ an toàn của nó.
Không chỉ riêng trường THCS Lương Thế Vinh mà còn nhiều trường học khác trên tỉnh ta cũng bị ma trận thực phẩm không rõ nguồn gốc bao vây. Thậm chí, thực phẩm kém vệ sinh hiện cũng đang “bủa vây” trước cổng trường Đại học Quy Nhơn. Bên cạnh đó, việc mua bán này thường diễn ra dưới lòng lề đường và tập trung nhiều em học sinh, sinh viên nên đã gây cản trở, làm mất trật tự ATGT.
Được biết, nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn phải các loại thực phẩm nói trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế) đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo trong nhà trường cho học sinh, sinh viên và phụ huynh bằng băng rôn, biểu ngữ. Còn việc thanh tra, kiểm tra để xử lý đối với các trường hợp vi phạm thì Chi cục đã có sự phân cấp về chính quyền địa phương cấp xã, phường nhưng do đặc thù kinh doanh là bán “chạy” nên họ thường dễ dàng né tránh được các cơ quan chức năng.
Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Định, cho biết: Do việc buôn bán di động, không có nơi kinh doanh cố định nên hầu hết các loại thực phẩm được bày bán trước cổng trường đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, điều kiện đảm bảo vệ sinh cơ sở, vệ sinh cá nhân cũng không được đảm bảo, nguyên liệu để chế biến có nguồn gốc không rõ ràng.
PHÚC LỘC